Ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép

Nhằm nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép đã gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh…thời gian qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, công an, quân sự và các quận, huyện tăng cường công tác thường xuyên kiểm tra, kiểm soát; đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương lân cận xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố.

Một đoàn ghe khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn đoạn qua quận 9.
Một đoàn ghe khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn đoạn qua quận 9.

Không chỉ khu vực bờ sông Sài Gòn thuộc xã An Nhơn Tây từ lâu đã là điểm “nóng” về nạn hút cát lậu, mà các xã cũng thuộc huyện Củ Chi như: Trung An, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Bến Đình, An Phú, Hòa Phú và bờ biển Cần Giờ tình trạng khai thác cát trái phép cũng xảy ra ồ ạt một cách công khai. Hoạt động khai thác cát trái phép tồn tại nhiều năm qua đã làm trữ lượng cát dưới đáy sông Sài Gòn ngày càng cạn kiệt, khiến hơn 76 km bờ sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi bị sạt lở nghiêm trọng. Đê ngăn triều do người dân địa phương tu bổ hằng năm cũng nát theo; sạt lở ruộng vườn của người dân ven sông.

Nói về biện pháp ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép tại địa phương, một cán bộ xã An Nhơn Tây cho biết: “Xã đã làm hết cách rồi. Từ việc vận động người dân địa phương không tham gia khai thác cát trên sông, tạo việc làm cho hộ nghèo, truy đuổi những người khai thác cát, kiến nghị huyện và các đơn vị chức năng liên quan vào cuộc. Dù vậy, vẫn chưa thể dẹp triệt để nạn hút cát trái phép trên sông Sài Gòn”. Còn một khó khăn nữa là, sông Sài Gòn đoạn này giáp ranh giữa huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh với nhiều xã, huyện của tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, do đó khi phát hiện có lực lượng chức năng địa phương bên này sông truy đuổi, những người khai thác cát trái phép chỉ cần lách sang bên kia sông là… thoát.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi, cho biết: “Mỗi tuần một đến hai lần, Tổ môi trường của phòng phối hợp lực lượng công an kinh tế huyện tổ chức tuần tra, truy quét nạn khai thác cát trên sông. Tuy nhiên, kết quả việc ngăn chặn chưa cao, do lực lượng chuyên ngành của huyện quá mỏng, trong khi hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi, địa bàn lại phức tạp…”.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý gần 100 vụ khai thác và vận chuyển cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép có chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp. Nhiều chủ phương tiện khai thác cát trái phép ở vùng biển giáp ranh với các tỉnh khi bị phát hiện đã bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau sang các địa phương khác. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng này lâu nay vẫn chưa hiệu quả.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, đại diện các địa phương giáp với TP Hồ Chí Minh đã cam kết tăng cường phối hợp, tăng cường lực lượng công an, bộ đội biên phòng để cùng truy quét cát tặc trên phạm vi rộng hơn chứ không “mạnh ai nấy làm” như thời gian qua. Đặc biệt, sắp tới các địa phương sẽ kiên quyết tịch thu phương tiện vi phạm. Các địa phương cũng đề nghị Bộ Công an xem xét việc xử lý hình sự các trường hợp vi phạm về khai thác và vận chuyển cát trái phép, tập trung ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tranh và vùng biển Cần Giờ. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện về việc tăng cường quản lý chất lượng cát xây dựng, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao đôn đốc UBND các quận, huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có kinh doanh bến thủy nội địa vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; phối hợp các tỉnh giáp ranh tăng cường xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. UBND các quận, huyện định kỳ hằng năm phải tổ chức thử nghiệm, kiểm tra, chứng nhận hợp quy chất lượng cát xây dựng trên địa bàn, nhằm đánh giá thực trạng kinh doanh, theo dõi tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với loại vật liệu xây dựng (là cát), loại vật liệu có khả năng gây mất an toàn trên thị trường.

Tăng cường quản lý địa bàn, xử lý vi phạm các quy định về sử dụng cát xây dựng trong các công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Riêng UBND các quận 2, 4, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… có trách nhiệm xử lý các đơn vị kinh doanh cát trên địa bàn mà đến nay chưa thực hiện nghiêm việc khắc phục. Thông báo cho phòng xây dựng các địa phương địa chỉ các đơn vị sản xuất cát không bảo đảm lưu thông trên thị trường, để xem xét, xử lý theo quy định.