Nét đẹp tình nguyện trong giải thưởng Hồ Hảo Hớn

Ra đời từ năm 2002, giải thưởng mang tên Hồ Hảo Hớn, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bí thư đầu tiên của Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) nhằm ghi nhận những cá nhân, tập thể có sáng kiến mới áp dụng thành công vào thực tiễn hoặc có đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Đoàn.

Đoàn viên, thanh niên ngành điện thành phố dành những ngày nghỉ cuối tuần để sửa chữa điện miễn phí cho người dân.
Đoàn viên, thanh niên ngành điện thành phố dành những ngày nghỉ cuối tuần để sửa chữa điện miễn phí cho người dân.

Có thể kể đến như chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, “Chủ nhật xanh”, hội thi “Chạy băng đồng”, “Hành trình đến với bảo tàng”, Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka", phong trào “Sinh viên 3 tốt”, mô hình “Cùng em vững bước”, chương trình “Ước mơ của Thúy”, chương trình “Lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, mô hình “Lễ cưới tập thể thanh niên công nhân”, mô hình “Hội trại tòng quân”, Hội trại truyền thống “Lá trung quân”,… Qua mỗi năm giải thưởng này được trao lại có thêm những công trình, sáng kiến mang đậm dấu ấn tình nguyện của các tri thức trẻ, đoàn viên, thanh niên thành phố mang tên Bác. Trong suốt 17 năm qua, giải thưởng đã ghi nhận công sức, sự cống hiến của hơn 100 tập thể và 44 cá nhân. Nhiều mô hình, chương trình, công trình sau khi nhận giải thưởng đã không ngừng tự làm mới mình, được nhiều đơn vị học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên cả nước.

Đơn cử như, mô hình Chủ nhật xanh, một sáng kiến của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2004. Kể từ đó, Chủ nhật xanh đã trở thành một phong trào lan tỏa không chỉ ở các địa phương trên toàn thành phố mà còn phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương trong cả nước. Các hoạt động của Chủ nhật xanh cũng phát triển nhanh chóng, từ chỗ chỉ là hoạt động dọn vệ sinh đường phố, bước qua tuổi 15, mô hình này đã triển khai thêm nhiều hoạt động khác như: tổng vệ sinh các tuyến kênh rạch, trồng cây xanh, làm đường giao thông nông thôn, thăm các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các cơ sở nuôi dưỡng,… Thành đoàn cho rằng: Mỗi một hoạt động của mô hình đều thể hiện được nét đẹp tình nguyện của các đoàn viên, thanh niên. Qua các hoạt động đó cũng giúp nâng cao ý thức, kỹ năng sống và trách nhiệm xã hội trong thế hệ trẻ ngày nay.

Một điểm chung nổi bật là các công trình đều có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng theo từng đối tượng cụ thể. Như mô hình “Giải pháp hướng nghiệp cho học sinh THTP qua cuộc thi “Thực hiện ước mơ” của Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố. Bắt đầu triển khai từ năm 2012 đến nay, từ chỗ chỉ có 20 trường với 10 nghìn học sinh tham gia, đến nay, mô hình đã được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước với khoảng 200 nghìn học sinh tham gia. Theo Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố Lê Xuân Dũng, xuất phát từ mong muốn để học sinh THPT có thể sớm định hướng nghề nghiệp tương lai bằng hình thức sinh động, trực quan nhất, đơn vị đã triển khai mô hình này và đã cho những kết quả rất tích cực trong công tác tư vấn, hướng nghiệp. Tương tự, chương trình “Tri thức trẻ tình nguyện thành phố Hồ Chí Minh” cũng là một sáng kiến mang đậm dấu ấn của đội ngũ tri thức trẻ của thành phố trong việc mang kiến thức chuyên môn của mình để cống hiến cho cộng đồng. Giám đốc Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Đoàn Kim Thành cho biết, năm 2009, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ được thành lập, gần 30 thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học thuộc chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ để chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp cho nông dân huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; khảo sát và đề xuất phương án xử lý ô nhiễm nước làng nghề ở Tây Ninh… Năm 2010, Trung tâm tham mưu tổ chức Chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện” lần đầu, với mong muốn tập hợp, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của lực lượng trí thức, khoa học trẻ thành phố, đem kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố, đặc biệt là chương trình nông thôn mới. Qua 10 năm triển khai, chương trình đã thu hút hàng nghìn trí thức trẻ thực hiện được 548 chuyên đề ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài thành phố cho hơn 45.930 đối tượng thụ hưởng. Các mô hình, sáng kiến khác như: “Liên hoan Búp sen hồng” của Nhà Thiếu nhi quận 11; chương trình “Khăn hồng tình bạn” của Liên đội Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận; mô hình “Không gian xanh - Biến bãi rác thành vườn hoa” của Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng thành phố; chương trình “Hạt giống đỏ” của Đoàn Thanh niên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố cũng nhận được nhiều lời khen ngợi và biểu dương từ ban tổ chức và xứng đáng được nhận giải thưởng.

Đại diện Thành đoàn cho rằng: Nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn là một vinh dự lớn của các tổ chức, cá nhân. Điều đó cũng ghi nhận tinh thần xung kích, nhiệt huyết của các bạn trẻ đối với cộng đồng, vì sự phát triển của thành phố. Mỗi sáng kiến, công trình sẽ càng lấp lánh hơn khi nó được nhân rộng, phát huy và ngày càng được làm mới để phù hợp với sự phát triển của xã hội.