Nâng tầm giá trị áo dài Việt Nam

Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh được tổ chức hằng năm đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa tạo dấu ấn đậm nét trong sự phát triển của du lịch thành phố. Từ các hoạt động nổi bật diễn ra trong lễ hội, hình ảnh chiếc áo dài xuất hiện trên đường phố, nơi làm việc đã trở nên phổ biến hơn không chỉ với người Việt…

Trình diễn áo dài trong lễ cưới tại buổi khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 - 2018.
Trình diễn áo dài trong lễ cưới tại buổi khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 - 2018.

Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 5-2018 đang diễn ra trong suốt tháng 3 này, triển lãm “Duyên dáng Áo dài TP Hồ Chí Minh” tại Áo Dài Exhibition (quận 1), là một trong những hoạt động nổi bật.

Triển lãm trưng bày hơn 50 hiện vật cùng những thông tin cụ thể bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh giúp khách tham quan trong nước và ngoài nước hiểu hơn về lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Du khách đến với triển lãm được chiêm ngưỡng “Long bào triều Nguyễn” đã được phục chế hết sức công phu, tỉ mỉ. Khách tham quan được biết thêm những câu chuyện cảm động về tà áo dài của các nữ lãnh đạo đã có cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực như quân sự, chính trị, văn hóa, y tế… Mỗi câu chuyện là một minh chứng đầy thuyết phục về vẻ đẹp và giá trị của chiếc áo dài Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Bích Châu, ngụ quận 4 chia sẻ: “Bộ áo dài nào cũng ấn tượng, nhưng tôi thích nhất là những bộ sưu tập áo dài Quốc hoa ASEAN. Áo dài nước ta đã hòa nhập với văn hóa các nước một cách duyên dáng, hài hòa, mà vẫn rất Việt Nam”.

Mang thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, Ban tổ chức Lễ hội Áo dài năm nay đưa nhiều chương trình nghệ thuật, hoạt động mang tính cộng đồng nhằm giới thiệu nét đẹp của áo dài đến với mọi tầng lớp công chúng. Một trong những nét mới, đồng thời là điểm nhấn của Lễ hội Áo dài lần thứ năm đó là chương trình nghệ thuật “Áo dài- Xu hướng thời trang ứng dụng 2018” diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây không chỉ là dịp để Ban tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, nhà may, văn nghệ sĩ, các cá nhân tiêu biểu đã gắn bó nhiều năm với chiếc áo dài trong công việc của mình, mà còn nhắn gởi thông điệp mong muốn định hướng thẩm mỹ về thời trang áo dài cho giới trẻ.

Nhiều người đã khá quen thuộc với hình ảnh luật sư Trương Thị Hòa, một người phụ nữ ôn hòa, dịu dàng, luôn xuất hiện trong tà áo dài duyên dáng, thanh lịch. Bà chân tình cho biết: “Tôi rất thích mặc áo dài vì tôi yêu nét đẹp dung dị của nó".

Ngoài các hoạt động lớn như “Diễn đàn nét đẹp Áo dài Việt” dành cho nữ tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự và cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại giao, chương trình “Talk show truyền cảm hứng về áo dài trong giới trẻ” tại các trường học trên địa bàn thành phố…, các ban, ngành đồng loạt tổ chức nhiều chương trình nhằm hưởng ứng Lễ hội Áo dài trong suốt tháng 3. Đó là các chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản “Áo dài và hoa vải Tsumami”; tọa đàm Lịch sử Áo dài Việt Nam; “Đồng hành cùng Lễ hội Áo dài”. Chương trình “Thân quen Áo dài Việt” đã phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiểu thương ở chợ Bến Thành, nhân viên các công ty trong lĩnh vực du lịch... mặc áo dài trong suốt tháng 3. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh phát động chương trình “Áo dài tặng bạn” nhằm vận động tặng áo dài cho học sinh và giáo viên vùng ven, ngoại thành, hội viên phụ nữ và nữ công nhân của thành phố. Những hoạt động nêu trên góp phần tạo nên sức lan tỏa rộng khắp của một trong những lễ hội ấn tượng tại TP Hồ Chí Minh.

Trở thành một trong 11 đại sứ của Lễ hội Áo dài năm nay, NSƯT Thành Lộc cho biết, khi được Ban tổ chức mời làm đại sứ cho Lễ hội Áo dài 2018 anh đã nhận lời ngay. Là một trong những nam nghệ sĩ tiên phong trong việc mặc áo dài, nghệ sĩ Thành Lộc sẽ cùng các đại sứ có nhiều buổi trò chuyện với học sinh để truyền cảm hứng, giá trị và tình yêu áo dài cho các em. “ Không ít trường trung học phổ thông bỏ quy định nữ sinh mặc đồng phục áo dài, tôi lấy làm tiếc vì điều đó. Theo tôi, các trường nên cho các em mặc áo dài vài ngày trong tuần để các em cảm nhận và yêu hơn nét đẹp từ chiếc áo mang hồn dân tộc”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

Đó cũng là mong muốn của Ban tổ chức để áo dài đi vào cuộc sống, trở thành nét văn hóa ấn tượng trong lòng du khách trong nước và ngoài nước…