Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện của công tác mặt trận

Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trao bằng khen tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận.
Trao bằng khen tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận.

Thông qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và triển khai việc giám sát, năm 5 qua, hệ thống MTTQ các cấp của thành phố đã giám sát hơn 3.500 cuộc ở những lĩnh vực mà nhiều người dân quan tâm, bức xúc như: Công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi;... MTTQ ở cơ sở còn phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát các công trình và lĩnh vực tại địa phương như: Công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; thu chi của các quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng,... Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thanh Lưu cho biết: “Công tác giám sát của hệ thống MTTQ các cấp của thành phố qua từng năm đã đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả hơn; đối với các chương trình phối hợp giám sát tuy thực hiện chưa nhiều nhưng nội dung, vụ việc giám sát được xác định cụ thể, rõ ràng, qua đó đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ”.

Công tác giám sát còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội với nhiều hoạt động nổi bật, hiệu quả. 5 năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức 13.800 cuộc giám sát về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động,... Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng cho nên hằng năm đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng giám sát cho toàn bộ cán bộ hội ở tất cả các cấp. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: Các đoàn bám sát, chú trọng vào những nội dung cụ thể, thiết thực như: Bình đẳng giới; kỹ năng tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo;... đồng thời chú trọng xây dựng kế hoạch, cách thức xây dựng bộ công cụ giám sát, cách thức xác định vấn đề, nội dung, hình thức giám sát,...”.

Đối với công tác nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống MTTQ thành phố đã đóng góp ý kiến vào nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: Dự thảo Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, quận, huyện; dự thảo Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020;... Ngoài ra, Mặt trận các cấp cũng tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Tại MTTQ các quận 5, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình đã phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân; MTTQ quận 2 với hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Quận ủy với đoàn viên, thanh niên; các tổ chức chính trị - xã hội thành phố cũng có những chương trình riêng tạo được dấu ấn. Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh định kỳ hằng năm, tổ chức các chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi”, “Thường trực UBND thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu”... để kịp thời ghi nhận các ý kiến góp ý, cũng như kiến nghị của đoàn viên, hội viên, đội viên đối với hoạt động của Đảng bộ và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc giám sát công tác tiếp công dân đối với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn và quận, huyện chưa bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp công dân. Nội dung giám sát việc thực hiện tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, công tác vận động, tuyên truyền chưa sâu rộng, có nơi người dân chưa biết chủ trương tổng rà soát; công tác tổng rà soát vẫn còn sự thiếu nhịp nhàng phối hợp giữa các thành viên ban rà soát. Quá trình giám sát, phản biện xã hội vẫn còn hiện tượng né tránh, ngại va chạm của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận. Công tác phản biện xã hội chưa thật sự rõ nét, chưa đúng bản chất và mức độ là phản biện xã hội;...

Định hướng cho công tác mặt trận trong thời gian tới, đồng chí Vũ Thành Lưu cho biết: Các nội dung giám sát, phản biện sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm, rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân. Để làm được điều này, công tác chuẩn bị giám sát, thu thập thông tin, khảo sát cần được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo. Ngay sau khi kết thúc giám sát phải sớm có văn bản kiến nghị ngay với cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần kiến nghị UBND cùng cấp, sau đó tiếp tục theo dõi việc giải quyết.