Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chính là mục tiêu mà TP Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu thực hiện trong những năm qua và đạt được kết quả bước đầu.
Gia đình bà Lê Thị Đẹp (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) thoát nghèo nhờ trồng lan trên đất của gia đình.
Gia đình bà Lê Thị Đẹp (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) thoát nghèo nhờ trồng lan trên đất của gia đình.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 67 nghìn hộ nghèo với gần 281 nghìn nhân khẩu và hơn 48 nghìn hộ cận nghèo (gần 197 nghìn nhân khẩu). Trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về trình độ nghề chiếm 46% (53.196 hộ), thiếu hụt về việc làm chiếm 10,8%. Do đó, thành phố xác định chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và căn cơ nhất để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo có điều kiện lao động, tìm kiếm việc làm, cho nên đã tập trung chỉ đạo các quận, huyện, phường, xã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như: khảo sát nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nghèo gắn với tư vấn, thông tin về việc làm; kết nối với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để giải quyết việc làm; phối hợp liên kết với các trường, trung tâm có chức năng đào tạo nghề để tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm. Các phường ở quận vùng ven và các xã nông thôn có khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn đã chủ động liên kết với DN để hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo của địa phương.

Đại diện Ban thường trực MTTQ quận Bình Thạnh, đồng chí Nguyễn Thanh Thảo, chia sẻ: Với đặc thù là quận nội đô, hầu hết hộ nghèo của quận đều làm nghề buôn bán nhỏ, Ban thường trực MTTQ quận Bình Thạnh cùng với Ban vận động Vì người nghèo quận làm đầu mối, chủ trì họp với từng đơn vị để phân công theo dõi từng đối tượng, từng hộ nghèo để có chính sách đào tạo nghề cho phù hợp. Đơn cử như đối với người tìm việc, Ban vận động Vì người nghèo quận phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ giữa DN và người lao động. Kết quả từ những buổi tiếp xúc, có 31 người có việc làm ổn định. Đối với người học nghề, Ban vận động Vì người nghèo quận phối hợp với Trường trung cấp nghề quận Bình Thạnh, Trường Nghiệp vụ nhà hàng thành phố tổ chức cho người có nhu cầu đi tham quan trường để định hướng nghề trước khi quyết định chọn ngành học cho phù hợp. Kết quả đã có 24 người đồng ý học các nghề như nấu ăn, phụ bếp, trang điểm, lái xe, điện lạnh, sửa chữa ô-tô, sửa xe gắn máy..., với tổng kinh phí do Ban vận động Vì người nghèo hỗ trợ gần 28 triệu đồng. Với cách làm này, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của quận Bình Thạnh giảm xuống còn 0,52% so với con số 2,58% của thời điểm trước đó.

Tại huyện Củ Chi, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hệ thống MTTQ xã, thị trấn phối hợp cùng các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến tận khu phố, ấp nhằm giúp người dân nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các lớp nghề ngắn hạn được tổ chức ở cả hai lĩnh vực: nông nghiệp và phi nông nghiệp. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các DN đẩy mạnh xuất khẩu lao động trên cơ sở quy định của thành phố. Hội Nông dân thành phố cũng là đơn vị giúp sức đắc lực cho chính quyền thành phố trong việc tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm dành cho đối tượng là hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2016 - 2017, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố đã đào tạo được 3.307 người, trong đó có 662 người được đào tạo nghề thuộc đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo với 596 người có việc làm ổn định tại các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập khiến hiệu quả đào tạo nghề cho các thành viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa cao, chưa thu hút đối tượng theo học dẫn đến hiện tượng tái nghèo, cũng được các đơn vị thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, thành viên Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao về cách tiếp cận đa chiều trong việc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo. Song theo ông Trần Đông A, hiện nay trình độ học vấn của các hộ nghèo còn thấp, thói quen bỏ việc, nhảy việc còn phổ biến, do đó thành phố cần thống kê chính xác trình độ của từng thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; qua đó có cơ sở nắm bắt được nhu cầu họ muốn gì, họ cần Nhà nước hỗ trợ gì thì lúc đó việc tiếp cận đào tạo mới hiệu quả, đào tạo đúng sẽ góp phần giảm nghèo bền vững... Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố Nguyễn Văn Lâm, nhìn nhận: Phần lớn người lao động còn ngại tham gia các khóa đào tạo hoặc có tâm lý thích chọn các khóa học ngắn hạn để tìm việc làm nhanh, sớm có thu nhập trang trải cuộc sống. Vì vậy, trình độ tay nghề thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Thành phố cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nghèo, cận nghèo theo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đa dạng hoá các lĩnh vực, nội dung đào tạo... Ngoài ra, hiện nay các DN lớn đang chuẩn bị đầu tư thay đổi cách tổ chức sản xuất để phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp về hệ thống trang thiết bị, năng lực chuẩn ở đầu vào để đáp ứng chuẩn đầu ra.