Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở

Thời gian qua, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền nhằm đưa những thông tin thiết yếu đến người dân trên địa bàn. Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, giúp người dân hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái trên mạng xã hội…

Quận Phú Nhuận đẩy mạnh hình thức tuyên truyền bằng các tiểu phẩm sân khấu tạo sức hút với người dân.
Quận Phú Nhuận đẩy mạnh hình thức tuyên truyền bằng các tiểu phẩm sân khấu tạo sức hút với người dân.

Từ năm 2017, Ðảng ủy phường 9, quận Phú Nhuận đã chỉ đạo triển khai thực hiện trang mạng xã hội Facebook (fanpage) "Công dân phường 9" nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc hại trên in-tơ-nét; nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm 2018, phường 9 tạo thêm trang "phường 9 Phú Nhuận" trên ứng dụng Zalo để tiếp nhận và giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, đồng thời hướng dẫn các thủ tục hành chính thông dụng cho người dân trước khi liên hệ với phường. Mới đây, phường triển khai thực hiện mô hình tổng đài tin nhắn. Sau hơn một tháng, phường đã gửi 167 tin nhắn thông báo kết quả giải quyết thủ tục trước hạn đến người dân.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Phú Nhuận Hà Thanh Hương, quận luôn quan tâm việc đa dạng hình thức tuyên truyền để làm sao cho người dân trên địa bàn hiểu được và tiếp thu những chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định mới của thành phố, của quận một cách dễ dàng. Những năm gần đây, quận Phú Nhuận đã đẩy mạnh triển khai hình thức tuyên truyền sân khấu hóa, vừa mang tính nghệ thuật, vừa đạt được hiệu quả tuyên truyền cao.

Các huyện ngoại thành ở thành phố vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh với sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Trong năm 2019, Ðài Truyền thanh huyện Bình Chánh thực hiện 730 chương trình, trong đó có 339 tin thu thanh - phỏng vấn và 307 điểm tin trong nước, 65 câu chuyện truyền thanh. Ðài đã mở nhiều chuyên mục để tuyên truyền đa dạng về các lĩnh vực như xây dựng Ðảng; thuế; người tốt - việc tốt; nông nghiệp - nông thôn; văn hóa; xây dựng nông thôn mới; trật tự - an toàn xã hội; sức khỏe - đời sống… Phó Trưởng Ðài Truyền thanh huyện Bình Chánh Huỳnh Vũ Long chia sẻ: “Ðài Truyền thanh huyện đã tăng cường số lượng câu chuyện truyền thanh để giảm sự khô khan trong chương trình chuyên đề, nội dung các câu chuyện mang tính thời sự cao, giúp định hướng dư luận và tạo sự lôi cuốn cho chương trình đối với bạn nghe đài”.

Tuy nhiên, hệ thống thông tin cơ sở ở thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn. Lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên mỏng cho nên đôi lúc chưa phản ánh hết thông tin về các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Một số đài truyền thanh cơ sở vật chất bị xuống cấp, ảnh hưởng hoạt động. Theo Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Giờ Phạm Quốc Kiệt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn huyện nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ hiện nay. Các điểm Bưu điện - văn hóa xã hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp; tần suất hoạt động thấp cho nên ảnh hưởng đến công tác thông tin, tuyên truyền của huyện.

Còn Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình Trần Hữu Nghĩa cho rằng, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, phương thức quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở địa bàn quận và cơ sở còn nhiều bất cập, khó khăn như: Không quản lý được tất cả các trang mạng xã hội phát sinh; lượng thông tin trên các trang mạng xã hội chính thức chưa đa dạng, thiếu các tin, bài mang tính lý luận, tính chiến đấu cao trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái; lực lượng nòng cốt các nhóm “Ðịnh hướng thông tin” còn yếu, thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động trong việc viết bài, chọn lọc, tổng hợp các thông tin để tuyên truyền, đăng trên fanpage của quận và các đơn vị…

Để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở địa bàn quận, huyện, trước hết, các đơn vị cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc tham gia, sử dụng mạng xã hội. Cần khuyến khích thành lập và xây dựng những tài khoản trên mạng xã hội tại cơ sở, tạo thành nhiều kênh thông tin, truyền thông trên mạng xã hội, trong đó chú trọng việc nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức và người quản lý trang. Ðội ngũ phóng viên, cộng tác viên ở cơ sở phải thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ để có thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Việc thù lao dành cho đội ngũ “định hướng thông tin” cũng cần được quan tâm nhiều hơn…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết, sở sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan nhằm xây dựng chế độ nhuận bút, thù lao phù hợp cho những bài viết thời sự, đúng thời điểm, phản bác những luận điệu sai trái trên mạng xã hội, qua đó thu hút nhiều bài viết có giá trị, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền trong hệ thống thông tin cơ sở thời gian tới…