Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục mầm non (GDMN), đến nay, cả nước có 99,6% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, chất lượng giáo dục bậc mầm non ngày càng được nâng cao. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được xem là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình GDMN khi chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị dạy học để hướng tới đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Trường mầm non Măng Non, quận 10. Ảnh: NGỌC NHUNG
Trẻ em vui chơi trong khuôn viên Trường mầm non Măng Non, quận 10. Ảnh: NGỌC NHUNG

Hằng năm, tại TP Hồ Chí Minh dân số cơ học tăng bình quân từ 40 đến 50 nghìn học sinh, trong đó trẻ mầm non (MN) tăng gần 10 nghìn trẻ. Việc bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ ở các độ tuổi là áp lực rất lớn đối với thành phố. Do đó, thành phố luôn quan tâm huy động các nguồn lực và thực hiện tốt công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như phát triển mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình cơ sở GDMN, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thành phố luôn ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư cho phát triển ngành GD-ĐT. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã bố trí hơn 17 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.500 phòng học mới, trong đó MN là 281 phòng nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em trên địa bàn thành phố. Đối với đầu tư theo hình thức xã hội hóa, từ năm 2011 đến nay đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm xây dựng trường lớp, qua đó các loại hình trường lớp ngoài công lập phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, thành phố có 879 trường MN ngoài công lập, tăng 523 trường so với năm 2011.

Để thực hiện chương trình GDMN có chất lượng và đạt hiệu quả cao, thành phố khuyến khích các cơ sở GDMN tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo hướng đa năng, hiện đại. Cùng với đó, phát huy và nhân rộng các mô hình phòng học tiên tiến. Trong đó, chú trọng xây dựng phòng học thông minh nhằm phục vụ cho hoạt động dạy học giúp giáo viên tổ chức giờ học với các hoạt động hướng đến lấy trẻ làm trung tâm. Mô hình này còn nâng cao khả năng tương tác giữa người dạy và trẻ thông qua việc sử dụng các thiết bị, như máy tính bảng, hệ thống kết nối in-tơ-nét, phần mềm quản lý lớp học, hệ thống âm thanh… giúp giáo viên linh hoạt trong thiết kế hoạt động một cách đồng bộ, làm sinh động nội dung giáo dục trẻ. Đối với việc đưa mô hình STEM vào tổ chức hoạt động dạy học ở bậc MN cũng được thành phố tập trung triển khai. Mô hình STEM giúp cho trẻ (nhất là trẻ 5 tuổi) tiếp cận và làm quen với các thiết bị công nghệ số, không bỡ ngỡ cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ khi vào lớp một. Các cơ sở GDMN cũng huy động cha mẹ trẻ, các nhà hảo tâm tham gia đề xuất ý tưởng, góp ý cùng thực hiện các công trình xã hội hóa cải tạo các phòng chức năng, như phòng công nghệ, phòng khoa học ứng dụng, phòng nghệ thuật STEM, phòng đọc sách, phòng bé tập làm nội trợ, khu chơi kỹ thuật… cho trẻ học tập, vui chơi, trang bị kỹ năng sống. Với những cách làm thiết thực này, từ năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Từ đó đến nay, thành phố luôn duy trì và giữ vững kết quả này. Hằng năm, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt gần 99,6% và tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi học hai buổi một ngày đạt 100%. “Những kết quả trên cho thấy, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể đăng ký tỷ lệ phấn đấu phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi và 3 tuổi trong thời gian tới”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết. 

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng GDMN (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh: Từ khi triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực, bảo đảm một phòng học/một lớp mẫu giáo 5 tuổi. Từ phòng học tạm đến nay hầu hết phòng học cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố với diện tích trung bình đạt 1,5 m2/trẻ trở lên. Tuy nhiên, việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi nói riêng và trẻ MN nói chung còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, công tác rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp MN, nhất là chưa quan tâm quy hoạch trường lớp, quỹ đất tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Cũng theo ông Minh, mặc dù tỷ lệ huy động trẻ đến trường của cả nước có tăng theo từng năm học, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt cao nhưng tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệnh đáng kể giữa các vùng, miền. Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở một số địa phương còn thấp, ảnh hưởng đến sự bền vững của phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi... 

Để khắc phục những  bất cập trên, thời gian tới, Bộ GD-ĐT và các tỉnh, thành tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN; phát triển GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi để hướng đến năm 2030 phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi. Đồng thời, tiếp tục đưa ra các giải pháp đồng bộ tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một. Cùng với đó, chú trọng, tập trung phát triển quy mô mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp, phát triển đội ngũ giáo viên bậc MN, đổi mới và nâng cao chất lượng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển GDMN ngày càng bền vững.