Năm học mới với áp lực quá tải

Năm học 2018-2019, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 882 phòng học, trong đó số phòng học tăng thêm là 641 phòng, xây thay thế là 241 phòng với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng.

Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Minh Chiếu (quận Tân Bình) trong ngày tựu trường.
Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Minh Chiếu (quận Tân Bình) trong ngày tựu trường.

Tuy nhiên, với số lượng học sinh tăng cao, nhất là lứa tuổi "rồng vàng" (2012) nhập học, khiến bậc tiểu học tăng gần 27 nghìn học sinh dẫn đến sự quá tải về trường, lớp. Học sinh các cấp trên địa bàn thành phố đã chính thức bước vào năm học mới. Nhưng còn nhiều phụ huynh vẫn đang vất vả trong vòng quay tìm trường, chuyển lớp cho con do nguyên nhân sĩ số lớp học quá đông, số lượng lớp bán trú giảm… Chị Ðỗ Thị Loan, phụ huynh học sinh một trường tiểu học thuộc quận Thủ Ðức cho biết, mấy ngày nay chị phải xin nghỉ làm để đi tìm trường cho cô con gái năm nay vào lớp 1 vì trường thông báo không tổ chức bán trú. "Theo tìm hiểu, các năm trước, trường mà con tôi năm nay vào học có tổ chức bán trú. Nhưng năm nay, do số lượng các lớp học tăng từ bốn lên năm lớp, sĩ số học sinh ở mỗi lớp cũng nhiều hơn năm trước, vì thế, có hai lớp không được học bán trú. Không tổ chức bán trú đồng nghĩa sau giờ học buổi sáng, tôi phải đến trường đón con về. Vì không thể quay về đón con buổi trưa, tôi đã làm đơn xin chuyển qua trường khác nhưng không được, vì lý do các trường chỉ nhận đúng tuyến. Số lớp tổ chức bán trú cũng rất hạn chế", chị Loan than thở. Anh Nguyễn Vĩnh, ngụ tại quận Bình Tân cho biết, theo đúng tuyến con anh sẽ được vào học tại trường tiểu học gần nhà. Tuy nhiên, do sĩ số học sinh lớp 1 vào trường năm nay tăng cao hơn năm trước, cho nên diện đăng ký tạm trú dài hạn như con anh phải chuyển sang một trường khác trên địa bàn quận.

Câu chuyện của những phụ huynh nêu trên không phải trường hợp cá biệt, khi năm học này, số học sinh trong độ tuổi "rồng vàng" đến trường tăng cao. Thậm chí, một trường tiểu học tại huyện Bình Chánh năm nay có gần 5.000 học sinh, tương đương sĩ số của cả một trường đại học. Mặc dù, đã xây thêm một ngôi trường bên cạnh nhưng học sinh vẫn phải chia hai ca: học sáng hoặc chiều. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) TP Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019, do số lượng học sinh nhập học tăng cao cho nên không thể tổ chức bán trú. Trong đó, quận 12 và Gò Vấp là hai quận nổi cộm do dân nhập cư đông. Mỗi năm, thành phố đón khoảng 70 nghìn người dân nhập cư, kéo theo lượng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố tăng cao.

Áp lực sinh con năm "rồng vàng" (2012) và "heo vàng" (2007) cũng khiến số lượng trẻ nhập học lớp 1 và lớp 6 năm nay tăng hơn hẳn năm trước. Theo cán bộ Phòng GD - ÐT quận 12 thì mỗi năm quận đều có số lượng học sinh tăng khiến ngành giáo dục quận luôn ở trong tình trạng bị động, phải tính toán, cân đối... Cụ thể, năm học này, quận tăng hơn 7.500 học sinh, trong đó, học sinh mầm non tăng hơn 1.600 em, tiểu học tăng hơn 3.100 em, THCS tăng hơn 2.600 em. Những phường có số lượng học sinh tăng và hệ thống trường, lớp cũng như giáo viên không thể đáp ứng kịp trước sự gia tăng chóng mặt này là phường: Hiệp Thành, Thới An, Thạnh Lộc, Tân Thới Hiệp... Trước tình hình đó, lãnh đạo Phòng GD - ÐT quận 12 quyết định cho các em chuyển sang các phường lân cận để học. Ðể giải bài toán làm sao học sinh có đủ chỗ học, ngành giáo dục buộc phải để các trường nâng sĩ số học sinh, vượt chuẩn quy định. Hiện nay, nhiều trường có sĩ số học sinh lên tới 50-56 học sinh/lớp, trong khi quy định là mỗi lớp chỉ 35 học sinh. Không riêng gì quận 12, nhiều quận, huyện khác như: Bình Tân, Tân Phú, Thủ Ðức, Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... cũng đang "nai lưng" gánh số học sinh tăng dần đều mỗi năm, nhất là số học sinh không có hộ khẩu tại thành phố. Ðồng chí Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ÐT TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi năm tăng 15 nghìn học sinh không có hộ khẩu tại thành phố. Áp lực này làm sĩ số học sinh trong một lớp vượt cao so với chuẩn và số học sinh học hai buổi/ngày sẽ giảm. Ðiều kiện về sân chơi, tập luyện, thư viện… đều co lại, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ưu tiên của thành phố là phải bảo đảm tất cả học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường, sau đó mới nâng cao chất lượng giáo dục. Thậm chí, do số lượng học sinh quá đông, một số trường còn tạm thời phải lấy các phòng chức năng làm phòng học.

Bước vào năm học mới, Sở GD-ÐT đã đề xuất với UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên bố trí vốn để nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, phấn đấu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10 nghìn học sinh. Ðể tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng trường học mới, thành phố cũng đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thí điểm các dự án xây mới trường học ở nội thành không còn quỹ đất, được nâng tầng cao phù hợp thực tế, tính chất từng quận, huyện, từng dự án mới. Thành phố cũng cần tăng biên chế giáo viên để đáp ứng với số phòng học sẽ tăng trong những năm học mới.