Một sân khấu cải lương đặc biệt

Gọi là đặc biệt bởi tổng không gian thưởng thức chỉ 100 ghế với phần bục bệ, cảnh trí được tiết giảm tối đa và cải lương được trình bày dưới dạng thử nghiệm trên nền nhạc đầy biến tấu. Mọi thứ trở nên ấm cúng, hòa quyện trên phần sân khấu vỏn vẹn 25 m2 nhưng vẫn giữ nguyên tính chuyên nghiệp cần có của một vở cải lương được trau chuốt kỹ lưỡng từng chi tiết. Ðó là cảm nhận của nhiều khán giả khi đặt chân đến Sân khấu nhỏ Sen Việt, một điểm biểu diễn cải lương độc đáo vừa mới ra mắt tại TP Hồ Chí Minh.

Hình ảnh suất diễn đầu tiên "Truyền tích Cổ Loa xưa" tại Sân khấu nhỏ Sen Việt.
Hình ảnh suất diễn đầu tiên "Truyền tích Cổ Loa xưa" tại Sân khấu nhỏ Sen Việt.

Suât diễn đầu tiên của Sân khấu nhỏ Sen Việt (quận 3) chật kín khán giả đến xem. Trong không gian chưa đến 100 m2, không tiếng trò chuyện, tất cả đều chăm chú theo dõi các tình tiết hấp dẫn trên sân khấu. Chọn kể lại chuyện tình trái ngang của Mỵ Châu và Trọng Thủy trong truyền thuyết An Dương Vương dưới góc nhìn của người hiện đại, "Truyền tích Cổ Loa xưa" (tác giả Mai Hương - Nguyễn Phương, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Ðạt) khiến khán giả vừa bất ngờ vừa xúc động. Bước ra khỏi sân khấu sau hơn hai giờ đồng hồ đắm mình trong không gian đậm chất hoài niệm, chị Hồ Ngọc Anh (ngụ quận 6) tâm sự: Lâu lắm rồi mình mới đi coi cải lương. Ban đầu khi tới sân khấu này mình hơi ngại vì nhỏ quá, sợ không thưởng thức được nhưng mọi thứ quá tuyệt vời. Từ cốt truyện, cách làm mới đến phần thể hiện của các nghệ sĩ khiến mình bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Vở diễn kết thúc mà khán giả vẫn chưa muốn rời rạp. Cảm ơn sân khấu đã giúp mình tiếp tục giữ gìn niềm đam mê với cải lương.

Ðầu tư vào sân khấu nhỏ để diễn cải lương thử nghiệm định kỳ (thứ bảy hằng tuần) trong giai đoạn khó khăn này, nhiều người cho rằng, NSƯT Lê Nguyên Ðạt quá liều lĩnh. Thế nhưng, Giám đốc Sân khấu nhỏ Sen Việt cho rằng, đây là điều nên làm, phải làm của những ai ao ước gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Anh nói, khi quyết định tạo ra sân khấu đặc biệt này, điều anh mong muốn là người dân thành phố có thêm không gian văn hóa nghệ thuật chứ không phải tập trung khai thác kinh doanh. Mục đích là làm sao càng nhiều người hiểu rõ để thêm yêu thương, gắn bó với nghệ thuật cải lương càng tốt. "Tôi muốn có một nơi để bản thân và các nghệ sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm những góc nhìn mới về cải lương. Bên cạnh việc biểu diễn, tổ chức các hoạt động lan tỏa tình yêu cải lương trong cộng đồng, Sen Việt còn có các khóa đào tạo ngắn hạn dành cho người yêu thích bộ môn này. Hiện tại, lớp đào tạo diễn viên cải lương rất đông với đa dạng đối tượng, tất cả mọi người làm nhiều ngành nghề khác nhau, không phân biệt tuổi tác, chỉ cần có tình yêu với cải lương là đều có thể đăng ký học. Thông qua đó tôi sẽ chọn những "hạt ngọc" để tiếp tục đào tạo lên cao. Còn lớp biên kịch dù chỉ có năm người đăng ký nhưng tôi vẫn mở vì biết đâu có thể tìm ra trong số đó một hoặc hai người trở thành tác giả trong tương lai", NSƯT Lê Nguyên Ðạt chia sẻ.

Hiện tại, Sân khấu nhỏ Sen Việt đang trong quá trình vừa biểu diễn vừa chuẩn bị các sản phẩm độc đáo cho dịp cuối năm. Bên cạnh kịch bản của những nghệ sĩ lâu năm, tại "ngôi nhà chung" này sẽ trình diễn rất nhiều tác phẩm do các tác giả, đạo diễn trẻ dàn dựng. Cùng với cách dẫn dắt mới, các nghệ sĩ đặc biệt chú ý đến yếu tố âm nhạc để tạo nên điểm khác biệt, đột phá cho những vở cải lương thử nghiệm. Làm sao để không chỉ người trung niên mà thanh niên, thậm chí thiếu niên cũng say sưa theo dõi đến cuối buổi diễn.

NSƯT Lê Nguyên Ðạt cho biết: Thời gian tới, các nghệ sĩ của sân khấu sẽ tăng cường việc lưu diễn tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Ðông Nam Bộ và đến với các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học để quảng bá các vở cải lương mang chủ đề văn hóa, lịch sử, đời sống. Là một trong những nghệ sĩ gạo cội cùng tham gia dựng vở tại Sân khấu nhỏ Sen Việt trong thời gian tới, đứng ở góc độ là cố vấn chuyên môn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho biết: Rất phấn khởi khi giờ đây người dân thành phố có thêm một địa điểm để thưởng thức cải lương. Ðây cũng là môi trường chuyên nghiệp giúp những nghệ sĩ thử nghiệm nhiều ý tưởng sáng tạo với bộ môn nghệ thuật này. "Hiện nay chúng ta thiếu lớp diễn viên trẻ tài năng đáp ứng nhu cầu gìn giữ và phát triển nghệ thuật cải lương. Ðó chẳng phải vì chúng ta không có đội ngũ kế thừa mà vì không có điều kiện để cho nghệ sĩ trẻ được làm nghề và trên cơ sở làm nghề đó các bạn có thể rèn luyện, phát triển và chứng minh bản thân trước công chúng. Chúng ta không cần tham vọng quá lớn, chỉ mong rằng có địa điểm biểu diễn thường xuyên để nghệ sĩ trẻ có cơ hội gặp gỡ khán giả. Hy vọng, Sen Việt sẽ liên kết với tất cả đạo diễn, nghệ sĩ trẻ muốn làm và tìm hiểu cải lương rồi cùng nhau tìm ra hướng mới cho bộ môn này bằng thực tế sân khấu chứ không chỉ bằng các cuộc hội thảo, tọa đàm…", NSND Trần Ngọc Giàu vui vẻ chia sẻ.

Khép lại vở diễn đầu tiên trong những tràng vỗ tay vang dội của đông đảo khán giả, khi màn nhung buông xuống, các nghệ sĩ tại Sân khấu nhỏ Sen Việt nhìn nhau, mỉm cười. Họ tin rằng khán giả sẽ không quay lưng với nghệ thuật cải lương, vẫn còn nhiều khán giả say mê loại hình nghệ thuật giàu tính nhân văn này.