Mở rộng "kênh" bán hàng trực tiếp

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa trên địa bàn thành phố đã tích cực mở thêm các điểm bán lẻ trực tiếp để phục vụ người tiêu dùng. Ðây được xem là cách để DN làm chủ thị trường, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu...

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một cửa hàng Satrafoods ở quận Tân Bình.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một cửa hàng Satrafoods ở quận Tân Bình.

Mở thêm nhiều điểm bán hàng

Tích cực nhất trong việc phát triển điểm phân phối sản phẩm là những DN sản xuất các mặt hàng lương thực và thực phẩm với nhiều cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ, len lỏi trong các khu dân cư nhằm bán hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.

Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) là DN sớm nhận ra lợi ích to lớn của việc phân phối trực tiếp nên đã triển khai mạnh mẽ mạng lưới cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở khu vực nội thành, vùng ven hay hình thức bán hàng lưu động về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ðến nay, VISSAN đã có hơn 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở địa bàn thành phố, bán trực tiếp các mặt hàng thiết yếu thuộc các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ...

Cùng với mục tiêu trực tiếp đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn, Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food) cũng đã đưa vào hoạt động nhiều cửa hàng bán hàng trực tiếp tại các quận, huyện. Tại các cửa hàng của Saigon Food, người tiêu dùng có thể tìm mua hơn 40 chủng loại sản phẩm của công ty, từ thực phẩm chế biến đông lạnh đến chế biến ăn liền. Hệ thống cửa hàng Satrafoods thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng không ngừng mở rộng và đến nay SATRA đã có hơn 30 cửa hàng Satrafoods bán trực tiếp sản phẩm đến với người tiêu dùng với gần hai nghìn mặt hàng gồm thực phẩm thiết yếu, hàng gia dụng, hàng bình ổn giá...

Nhiều DN ở lĩnh vực hàng hóa khác cũng tích cực triển khai các cửa hàng bán lẻ trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng mà không thông qua các đại lý, nhất là các DN ở lĩnh vực may mặc, như Tổng công ty Dệt May Gia Ðịnh (Giditex), Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)... Theo Tổng Giám đốc Giditex Lê Ðông Triều thời gian tới, Giditex sẽ phát triển thêm nhiều cửa hàng bán lẻ trực tiếp sản phẩm dệt may với sự tham gia, liên kết của nhiều đơn vị trong và ngoài hệ thống. Còn Mỹ phẩm Sài Gòn đã hình thành kênh phân phối mới thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ SC Perfume tập trung ở quận 1, quận 7, quận Tân Bình, quận 10. Ở lĩnh vực nữ trang, đến nay, PNJ đã có gần 180 cửa hàng tại thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước, dẫn đầu về mạng lưới phân phối trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng kim hoàn... Theo thống kê từ Sở Công thương thành phố, toàn thành phố hiện có hơn 300 cửa hàng tiện lợi nằm trong các khu vực dân cư. Con số này sẽ tiếp tục tăng do thành phố sẽ thu hồi nhiều mặt bằng bỏ trống, kinh doanh không hiệu quả để giới thiệu cho các DN xây dựng chuỗi cửa hàng tiện lợi...

Kênh phân phối hiệu quả

Theo các chuyên gia, các điểm bán hàng trực tiếp của các DN sản xuất có những ưu điểm nhất định, như có thể giải quyết nhanh chóng những thắc mắc, đòi hỏi của người tiêu dùng; bài trí sản phẩm dễ nhìn, thời gian phục vụ linh động... Ðánh giá về tính hiệu quả của chuỗi cửa hàng trực tiếp, ông Phạm Bá Minh Lộc, Trưởng phòng Marketing (Trung tâm điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods), cho biết, các cửa hàng Satrafoods đã giải quyết tốt vấn đề quay vòng vốn, tạo được doanh số bán hàng cao. Còn Tổng Giám đốc VISSAN Văn Ðức Mười cho rằng, ngoài việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm mới, các cửa hàng trực tiếp còn là nơi khảo sát thị trường, xu thế tiêu dùng. Mặc dù có chi phí mặt bằng lên đến 20 triệu đồng mỗi tháng, nhưng các cửa hàng ở vùng ven của VISSAN đã có lãi và tự nuôi được bộ máy quản lý.

Theo Tổng Giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung, điểm yếu trong việc tiêu thụ sản phẩm thông qua bán sỉ là DN phụ thuộc vào các đại lý, trong khi người tiêu dùng thường chọn mua nữ trang thông qua niềm tin. Vì vậy, PNJ quyết định xây dựng hệ thống bán lẻ, tiếp cận trực tiếp đến từng khách hàng. Ðể tổ chức thành công hệ thống bán lẻ nữ trang, ngoài việc tìm được những mặt bằng "đắc địa", PNJ còn phải huấn luyện một đội ngũ bán hàng có trình độ, hiểu biết rõ về sản phẩm...

Tuy vậy, mô hình cửa hàng phân phối sản phẩm trực tiếp cũng đang phải đối mặt với không ít trở ngại trên đường phát triển. Trước hết, để có được mặt bằng thuận lợi là một vấn đề không dễ dàng giải quyết đối với các DN khi muốn mở một điểm bán hàng trực tiếp. Hiện, giá thuê mặt bằng tại thành phố là quá cao so với tiềm lực tài chính của DN. Theo một DN, một mặt bằng đủ rộng cho việc kinh doanh của một cửa hàng ở các quận nội thành có giá thuê không dưới 60 triệu đồng/tháng; với mặt bằng nhà phố, thấp nhất cũng mất 15 triệu đồng/tháng. Còn theo đánh giá của các DN may mặc, chi phí mặt bằng và phát triển thương hiệu là hai khoản chi phí khá lớn; vì thế, việc phát triển cửa hàng thời trang trong nước sẽ không dễ. Một trở ngại nữa trong việc mở rộng mạng lưới bán lẻ của các DN là khả năng quản lý. Trong phần lớn các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, hiệu quả và doanh số cao thường nằm ở cửa hàng đầu tiên, còn các cửa hàng tiếp theo thường có hiệu quả thấp do việc quản lý yếu kém...

THIỆN PHÚC