Mô hình phòng khám nên nhân rộng

Phòng khám đa khoa Galant tại số 119, đường Trần Bình Trọng, quận 5 là địa chỉ mà những người có hoàn cảnh ngang trái, hoặc mắc những bệnh muốn giấu kín thường xuyên lui tới. Ở đó, họ nhận được những lời tư vấn, sự chăm sóc tử tế và sự sẻ chia tâm sự thầm kín nhất.

Nhân viên phòng khám Galant luôn thân thiện, sẻ chia với người bệnh.
Nhân viên phòng khám Galant luôn thân thiện, sẻ chia với người bệnh.

Cầm tờ giấy xét nghiệm có kết quả dương tính với vi-rút HIV của người bệnh T. T. H, tư vấn viên Nguyễn Văn Quý nhẹ nhàng trấn an H. không nên tuyệt vọng. “Nhiều bạn cảm thấy sốc khi biết mình đã nhiễm HIV. Tôi không chỉ động viên, tư vấn mà còn theo suốt họ trong quá trình dùng thuốc điều trị ARV, chăm sóc sức khỏe. Họ biết cách tự bảo vệ mình cũng là bảo vệ những người chung quanh”, anh Quý tâm sự.

Anh Quý là thành viên của tổ chức G3VN, một tổ chức dựa vào cộng đồng, tham gia dự án can thiệp dự phòng HIV/AIDS của Dự án quỹ toàn cầu. Anh Quý kể lại, nhiều trường hợp người bệnh đến đây xét nghiệm mới biết mình nhiễm “HIV”. Điều họ lo lắng nhất là làm sao thổ lộ với những người trong gia đình. Với những trường hợp như vậy, anh Quý đến tận nhà người bệnh để động viên gia đình đi xét nghiệm; anh còn trở thành nhịp cầu kết nối giữa người nhà và người bệnh. “Tâm lý giấu bệnh và xấu hổ luôn mang lại nguy cơ cho cộng đồng. Do đó, sự chia sẻ tận tình, thái độ ân cần, tôn trọng người bệnh và tuyệt đối giữ bí mật về thông tin cá nhân là những nguyên tắc nghiêm ngặt mà các nhân viên ở đây luôn tuân thủ”, anh Quý chia sẻ.

Còn Mia Nguyễn, từng là chuyên gia ngành tâm lý học, đã từng làm việc ở Ô-xtrây-li-a. Khách hàng của chị có khá nhiều người chuyển giới, hoạt động mại dâm. Trước một cô gái xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ một cách đầy cởi mở, thân thiện, những người đến đây đều sẵn sàng thổ lộ những câu chuyện khó nói trong cuộc sống. Với từng ca, Mia đều đưa ra những lời tư vấn kịp thời, đúng lúc. Mia còn cung cấp cho người bệnh số điện thoại và những địa chỉ nếu cần sự giúp đỡ. Chị còn ghi địa chỉ email, Facebook của mình cho người bệnh để họ nếu ngại có thể trò chuyện với nhau một cách kín đáo.

Đỗ Thụy An My là trưởng nhóm công tác xã hội Hoa Cát Tường (có chức năng tiếp cận, giúp đỡ các cô gái mại dâm và người nhiễm HIV), từng tiếp xúc với không ít người bệnh là những cô gái trẻ từng bán dâm bị nhiễm HIV. Cô kể rằng, những buổi đầu tiếp xúc, người bệnh đều tỏ ra căng thẳng, sợ sệt, thậm chí từ chối hợp tác chăm sóc, điều trị. Để họ trở lại với cuộc sống bình thường, An My đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm cách thuyết phục, dùng sự chân thành để họ có thể trò chuyện một cách cởi mở.

Phòng khám Đa khoa Galant do năm tổ chức cộng đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lập nên, đó là: G3VN, Sắc màu cuộc sống, Aloboy, Vượt sóng và Nụ cười. “Người chuyển giới, người mắc bệnh xã hội thường rất e ngại đến phòng khám công, bởi họ sợ sự xa lánh, kỳ thị. Họ tự tìm cách điều trị bệnh hoặc tìm đến phòng khám không đủ điều kiện, do vậy bệnh càng trầm trọng và nguy cơ lây lan càng rộng. Vì thế chúng tôi quyết tâm mở một phòng khám thân thiện, cởi mở với bác sĩ có chuyên môn, sẽ giúp họ an tâm điều trị bệnh khi mới phát hiện”, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Galant Đỗ Quang Kháng chia sẻ.

Đây cũng là phòng khám đầu tiên và duy nhất hiện nay tại TP Hồ Chí Minh có phòng tư vấn riêng cho người chuyển giới. Phần lớn người nam muốn chuyển thành nữ hầu như chưa biết họ phải bắt đầu từ đâu, phải trải qua những đau đớn như thế nào, những tai biến có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Anh Đỗ Quang Kháng cho biết thêm: “Chúng tôi đã tư vấn giúp nhiều người thay đổi ý định chuyển giới bằng phẫu thuật, thay vào đó là sống bằng giới tính của mình, không giấu giếm hay mặc cảm như trước”.

Hiện nay, phòng khám đã có tám bác sĩ cộng tác, hằng ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 20 giờ tối. Phòng khám được hình thành dựa trên mô hình hoạt động xã hội cho nên việc tư vấn luôn miễn phí; chi phí điều trị bằng hoặc thấp hơn các phòng khám và bệnh viện. Dù mới đi vào hoạt động được gần ba tháng nay, nhưng hiện giờ, mỗi ngày phòng khám đón khoảng từ 30 đến 40 người bệnh; trong đó, 70% thuộc các nhóm gái mại dâm, người nhiễm HIV và người chuyển giới. Một người bệnh tâm sự: “Được một người bạn giới thiệu phòng khám này, tôi tò mò đến thử. Không chỉ được thăm khám, mà mình còn được sẻ chia, được chỉ bảo nhiều thứ khác”. Hy vọng mô hình phòng khám này sẽ được khuyến khích mở rộng để các nhóm yếu thế trong xã hội được tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn…