Minh bạch dữ liệu để có chế tài quản lý lái xe

Thời gian gần đây, tình trạng lái xe điều khiển xe công-ten-nơ, xe đầu kéo sử dụng chất ma túy, gây lo ngại cho người tham gia giao thông. Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cũng như minh bạch thông tin vi phạm đối với nhóm lái xe này rất cần sự chung tay giải quyết không chỉ từ doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải mà cả các cơ quan hữu quan.
Xe tải nặng, công-ten-nơ với lưu lượng ken dày trên Xa lộ Hà Nội.
Xe tải nặng, công-ten-nơ với lưu lượng ken dày trên Xa lộ Hà Nội.

Trong đợt ra quân kiểm tra lái xe điều khiểu phương tiện xe tải nặng, xe công-ten-nơ ở khu vực ra vào các cảng đóng trên địa bàn quận 2 và quận 9 của lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TP Hồ Chí Minh đầu năm 2019 cho thấy, hầu hết lái xe có kết quả kiểm tra dương tính với chất ma túy đều thừa nhận: Thời gian lái xe liên tục trong một ngày khoảng 18 giờ, chỉ có ba, bốn giờ nghỉ cho nên đã “tìm đến” ma tuý để giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng. Chia sẻ này của giới lái xe đã phần nào phản ánh được thực tế hiện nay có không ít chủ DN kinh doanh vận tải đã vì lợi nhuận nên “ép” lái xe chạy theo đơn hàng mà không bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức và bản thân lái xe cũng vì thu nhập đã bất chấp, “xé rào”…! Theo đại diện Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều DN phải trả lương hơn 20 triệu đồng/tháng cho lái xe nhưng vẫn không tuyển được lái xe có bằng FC (loại xe công-ten-nơ, rơ-moóc, đầu kéo) do nhiều DN vận tải chuyển đổi phương tiện từ xe tải thùng sang xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc chở công-ten-nơ để nâng cao sức cạnh tranh làm số lượng xe tải phải chuyển đổi lớn; dẫn đến tình trạng thừa lái xe có giấy phép hạng C nhưng thiếu hạng FC. Điều này dẫn đến tình trạng lái xe dùng bằng giả, chạy xe quá thời gian quy định mà không nghỉ ngơi, dẫn đến hậu quả mất an toàn giao thông, gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua. Cũng theo Hiệp hội này, gần đây thành phố thiếu trầm trọng lái xe có GPLX hạng FC còn do quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có sự thay đổi so với trước đó. Cụ thể Thông tư số 12 (ban hành ngày 15-4-2017) quy định: “Chuyển GPLX từ hạng C, D, E lên FC thì lái xe phải có thời gian hành nghề từ ba năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn” trong khi trước đó Thông tư số 58 (ban hành ngày 20-10-2015) quy định: “nâng hạng lên bằng lái FC thì lái xe phải có thời gian nghề từ một năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn”. Theo lãnh đạo Phòng Sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT, Bộ GTVT ban hành quy định này nhằm nâng cao chất lượng lái xe có bằng FC nhưng trên thực tế quy định này rất khó thực hiện với đặc thù của TP Hồ Chí Minh vì khối lượng hàng hóa vận chuyển ngày càng nhiều kéo theo nhu cầu tuyển dụng lái xe cũng tăng theo. Mặt khác, yếu tố quan trọng để đánh giá trình độ của lái xe ô-tô nói chung và xe tải nặng nói riêng là kết quả sát hạch chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thâm niên lái xe nên việc quy định lái xe phải có thâm niên lái xe ba năm mới được học và thi lấy bằng FC là hơi cứng nhắc. Với lập luận này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa kiến nghị, nên chăng Bộ GTVT cần tăng thời lượng học thi lấy bằng FC từ một tháng rưỡi lên hai hay ba tháng thay vì áp dụng điều kiện lái xe có thâm niên từ ba năm trở lên. Như vậy, vừa tạo điều kiện cho DN vận tải dễ dàng tuyển dụng lái xe một cách hợp pháp, tránh tình trạng đối phó bằng cách sử dụng bằng giả nộp cho DN hay DN “ép” lái xe làm việc quá thời gian quy định do thiếu lái xe có bằng FC.

Băn khoăn việc tuyển dụng lái xe tải nặng, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh chia sẻ: “Là DN kinh doanh vận tải chúng tôi không chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà vấn đề quan trọng và cần thiết là làm sao tuyển được một lái xe bảo đảm tư cách và có đủ sức khỏe để ngồi sau vô-lăng lưu thông trên đường. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là DN chỉ biết nhìn vào hồ sơ do lái xe cung cấp mà không có cơ sở thông tin dữ liệu trong quá khứ của lái xe để tham khảo…”. Do đó, ông Vinh cũng như lãnh đạo nhiều DN kinh doanh vận tải mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông lập trang web để công khai danh tính những trường hợp lái xe vi phạm khi tham gia giao thông, đồng thời kết nối dữ liệu này đến các cơ quan chức năng và DN để người tuyển dụng có điều kiện truy cập, tham khảo thông tin một cách công khai và minh bạch.

ĐƯỢC biết, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT xây dựng phần mềm quản lý lái xe kinh doanh vận tải thống nhất trên toàn quốc. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ cập nhật các thông tin của từng lái xe từ khi bắt đầu vào đơn vị đến khi kết thúc làm việc (gồm ngày tuyển dụng, hình thức hợp đồng, bằng lái xe, các vi phạm quy định về an toàn giao thông và kết quả xử lý vi phạm…) vào phầm mềm. Theo Tổng cục Đường bộ, đây còn là kênh thông tin quan trọng để DN vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lái xe cũng như phục vụ công tác cứu hộ, điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu đề xuất này được Bộ GTVT chấp thuận, triển khai xây dựng và đưa phần mềm vào hoạt động sẽ giúp các địa phương kết nối với phần mềm GPLX để đồng bộ thông tin về lái xe, về hạng giấy phép và thời hạn có hiệu lực của giấy phép; qua đó kết nối với hệ thống giám sát hành trình để kết nối dữ liệu về số ki-lô-mét hoạt động, các vi phạm về tốc độ, vi phạm thời gian lái xe đối với từng lái xe để theo dõi, chấn chỉnh và làm cơ sở để xác định có đủ điều kiện nâng hạng GPLX...