Mái nhà ấm áp của trẻ cơ nhỡ

Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP Hồ Chí Minh (phường 14, quận Gò Vấp) chính là mái nhà ấm áp của trẻ em thuộc diện cơ nhỡ, không nơi nương tựa, trẻ lang thang, ăn xin. Tại đây, các em được bồi dưỡng văn hóa cấp tiểu học, THCS, được học nghề và học năng khiếu. Những em đủ điều kiện sẽ được trung tâm giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp... để có thể tự lo cho cuộc sống của mình.

Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng các em có độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi. Trong số này, có nhiều trường hợp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Giám đốc Trung tâm Lê Thị Trang Ðài cho biết: Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, dạy văn hóa, dạy nghề và giải quyết hồi gia cho trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, có độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi, do các quận - huyện trong thành phố và Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố chuyển giao. Tại đây, các em được tiếp tục học văn hóa, học nghề, rèn luyện các kỹ năng sống, giao tiếp với môi trường cộng đồng và khi có được một việc làm phù hợp, ổn định sẽ được hồi gia trưởng thành.

Em N.A.Ð (huyện Củ Chi) tâm sự: "Em mất mẹ từ nhỏ, giờ không biết cha ở đâu. Chị em gửi vô đây ăn học từ tháng 4-2016. Hiện em đang học lớp 7. Em cố gắng học ngoan, giỏi, để đến khi hết lớp 9 sẽ được học tiếp lên THPT. Ở trung tâm rất vui, ngày thứ bảy, chủ nhật, được các cô cho chơi thể thao, đá bóng, đánh cầu lông. Nơi đây, thật sự trở thành mái nhà chung của các bạn có hoàn cảnh như em". Em N.B.B (15 tuổi, quê Long An) vào sống ở trung tâm hơn 18 tháng. Hiện em mới học lớp 5. Em cho biết: "Mẹ bỏ em lúc sáu tuổi. Em sống lang thang rày đây mai đó, rồi được các cô chú đưa vào đây nuôi và cho ăn học. Các thầy, cô dạy cho tụi em nhiều nghề lắm. Phần lớn bạn nam học nghề sửa xe; các bạn nữ học uốn tóc, may thời trang… Em cũng cố gắng học thêm văn hóa và học được một nghề để mai sau ra đời tự kiếm sống, tự lo cho gia đình riêng của mình".

Hiện, trung tâm có 64 cán bộ - viên chức, nuôi dạy 80 trẻ (13 nữ, 67 nam). Các em học văn hóa ngay trong khuôn viên trung tâm từ lớp 1 đến lớp 9. Các lớp học chịu sự quản lý về chuyên môn từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Ðịnh. Ðội ngũ 12 giáo viên do Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Ðịnh ký hợp đồng và trả lương. Toàn bộ trẻ vào trung tâm đều được sắp xếp lớp học (trừ trẻ thiểu năng, chậm phát triển trí tuệ). Hiện trung tâm có năm lớp dạy nghề: Uốn tóc, may gia dụng, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, tin học văn phòng. Sau các khóa học, các em được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học hoặc sơ cấp nghề. Trong các lớp nghề, thu hút trẻ học đông nhất là lớp cắt tóc và may, vì dễ tiếp thu và dễ tìm được việc làm (hơn 75% trẻ tham gia). Các em học lớp may có thể tự may quần áo, đồng phục đi học văn hóa và học nghề. Lớp cắt tóc nam có thể tự cắt tóc cho các bạn trong trung tâm dưới sự hướng dẫn của giáo viên đứng lớp. Ðối với các lớp nghề như điện, điện lạnh, sửa xe, tin học đòi hỏi trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên. Trung tâm duy trì các lớp hướng nghiệp để dạy các em những nội dung cơ bản của nghề theo học, làm quen với những thao tác nghề đơn giản để có bước chuẩn bị tốt khi các em quyết tâm theo đuổi nghề mình yêu thích. Kiến thức văn hóa và nghề nghiệp được trang bị từ trung tâm sẽ là hành trang tiếp sức các em vào đời. Theo một cán bộ Phòng Quản lý học viên - phụ trách bộ phận tham vấn của trung tâm chia sẻ: Phần lớn các em khi mới được đưa đến đây chúng tôi phải bắt đầu bằng việc nắm bắt tâm lý các em với tình thương, sự dạy dỗ kiên trì, nhẫn nại, thậm chí phải "vượt dốc" với những em ngang bướng. Theo thời gian, các em chuyển biến rất tốt, biết tự chăm sóc cho mình, biết nghe lời dạy dỗ của thầy cô, học nghề và học văn hóa chăm chỉ. Chúng tôi xem đó là niềm vui của mình.

Ðược sự chỉ dẫn, chúng tôi đi một vòng xem các lớp học. Lúc này đang giờ lên lớp, các em chăm chú nghe giảng, một số em đứng lên phát biểu rất rành mạch và rõ ràng các câu hỏi, tình huống mà giáo viên đưa ra. Bước vào thăm lớp dạy nghề uốn tóc, chúng tôi thấy có đến sáu, bảy em nữ đang đứng quây quần bên giáo viên. Các cô gái trẻ (tuổi đời mới chỉ 15, 16) lắng nghe từng lời truyền dạy về kỹ năng khi thiết kế một kiểu tóc theo yêu cầu của khách. Mắt các em nhìn không rời đôi tay khéo léo, uyển chuyển của người thầy đang lướt trên từng lọn tóc của một bạn học viên làm mẫu. Em Lê T.M.N (14 tuổi), được chuyển đến từ Trại Nuôi trẻ mồ côi Tam Bình chia sẻ: "Ở đây các thầy, cô chăm sóc và dạy dỗ tụi con rất tận tình. Tụi con học làm tóc mới mấy tháng nhưng đã làm được những kiểu cơ bản và nâng cao". Em Huỳnh Thị D. M (15 tuổi), trước đây là một trẻ lang thang cơ nhỡ, nói về mong ước của mình: "Con mong muốn sẽ luôn được thầy cô thương yêu, quan tâm dạy dỗ để khi lớn lên làm được công việc và sống như mọi người".

Phó Giám đốc Trung tâm Lê Thị Trang Ðài khẳng định: Ở đây chúng tôi dạy dỗ các em bằng tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm cao và hơn hết bằng lương tâm và tình người. Vào các ngày thứ năm và chủ nhật hằng tuần, các nhân viên tham vấn của trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc với gia đình học viên, mục đích để tư vấn giúp gia đình cải thiện tốt mối quan hệ với các em để sau này khi hồi gia các em không quay lại đường phố nữa.