Má Bên của công nhân

Bà Bùi Thị Bên (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) nổi tiếng là bà chủ nhà trọ tốt bụng, không chỉ chăm lo cho công nhân ở trọ nhà mình mà bà còn quan tâm đến công nhân khó khăn ở những khu trọ khác.

Bà Bùi Thị Bên (áo đỏ) cùng chị em trong nhóm gói bánh giò để chăm lo Tết cho công nhân.
Bà Bùi Thị Bên (áo đỏ) cùng chị em trong nhóm gói bánh giò để chăm lo Tết cho công nhân.

Bà Bên kể: “Năm nào tôi cũng tự trích một phần tiền cho thuê nhà trọ để mua quà, gói bánh tặng cho công nhân. Trước đây, các chị trong tổ nêu ý kiến, sao chị em mình không tổ chức gói bánh giò bán, lấy lãi chăm lo Tết cho công nhân khó khăn. Tôi thấy hay và quyết tâm làm”. Từ tháng 6-2019, nhóm của bà đã nhận đặt bánh giò để bán, phần lãi dùng để chăm lo cho công nhân. Ngoài mặt hàng bánh giò, nhóm bà còn gói bánh tét, làm rau câu, chả ngũ sắc, bánh Trung thu… bán lấy quỹ cho chương trình.

Trước đây, Tết năm nào, bà Bên cũng tặng 35 đến 40 phần quà cho công nhân ở trọ. Quà gồm 10 kg gạo, bánh, dầu ăn, bột nêm, nước bí đao… trị giá 300.000 đồng/phần cùng bao lì xì 200.000 đồng cho mỗi phòng. Không chỉ vậy, bà chủ nhà trọ còn tặng mỗi công nhân một đòn bánh tét do bà tự gói. Hai ngày trước, bà đã mất cả ngày để làm nhân bánh bằng đậu xanh, thịt mỡ và xay lá bồ ngót cho vỏ bánh có mầu xanh tự nhiên. Rồi bà mất thêm một ngày nữa cùng bốn người bạn gói bánh, nấu để tặng công nhân trong khu trọ.

Trong số người ở trọ có bà Nguyễn Thị Tốt, năm nay 72 tuổi. Bà Tốt nhà ở quận 9. Ngày xưa, bà buôn bán để sinh sống. Nay cao tuổi sống nhờ vào tiền của con cháu cho nhưng bà không thích ở chung vì thấy vẫn còn khỏe. Bà Tốt kể: "Cô Bên tốt lắm, có gì ngon cũng chia cho mọi người. Ngày Tết cô còn mời những người không về quê lên nhà cùng ăn Tết. Cô xem mọi người như người thân trong gia đình". Có những cặp vợ chồng trong xóm trọ bận đi làm, con được nghỉ học vào những ngày Tết, ngày hè lại gửi sang nhờ bà trông giúp.

Là người con của đất cảng Hải Phòng, bà Bên vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh từ năm 1985 với nghề bán nước mía. Sau này, kinh tế khá hơn, bà tham gia công tác trong Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ phường Tăng Nhơn Phú A. Dù ở vị trí nào, bà cũng tích cực cùng anh chị em. Từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, bà đều đặn cùng chị em trong Hội Chữ thập đỏ quận 9 đứng bếp nấu bữa cơm nhân ái phục vụ người nghèo, sinh viên thuê trọ trong quận. Hiện nhà bà có 35 phòng trọ với khoảng 120 công nhân thuê. Có người thuê nhà bà đi học rồi ra làm việc vẫn không muốn chuyển đi đâu.

Hoàn cảnh của bao thế hệ công nhân, sinh viên đã ở trọ, bà đều nhớ kỹ. Bà nhẩm tính khu trọ nhà bà có chín cặp Duy - Lành, Mừng - Quyết, Minh - Thảo, Quang - Nhung... Bà kể: “Ở đây rồi tụi nhỏ thương nhau, mình vun vào. Đám cưới nào cũng đông vui, xôm tụ. Có mấy đứa hồi xưa cực lắm, nhờ chăm chỉ mà nay đã mua được nhà ở thành phố”.

Quê ở Thái Bình, anh Phạm Công Quang vào TP Hồ Chí Minh học, nhiều đợt không có tiền đóng tiền nhà. Ghé phòng thăm, lúc nào cũng thấy Quang xì xụp mì gói, bà Bên thương lắm nên thường gọi Quang lên nhà bà ăn cùng, thỉnh thoảng còn giúi vô tay anh vài trăm ngàn đồng, dặn đi học thì kiếm gì đó mua ăn. Đến nay, anh Quang đã lập gia đình, mua được nhà và có một cô con gái xinh xắn. Có những đám cưới xa quá, không đến được, lúc họ về lại TP Hồ Chí Minh, bà Bên “chủ xị” một bữa tiệc ngọt để cô dâu, chú rể ra mắt bạn bè.