Luôn đồng hành cùng nông dân

Những năm qua, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh không ngừng củng cố, nâng chất các hoạt động, phong trào hướng về cơ sở, đem lại cho nông dân nhiều lợi ích, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp đô thị mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10 đề ra.

Ðại biểu tham quan sản phẩm hoa lan của HTX Huyền Thoại, huyện Củ Chi tại Ðại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Ðại biểu tham quan sản phẩm hoa lan của HTX Huyền Thoại, huyện Củ Chi tại Ðại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Từ năm 2008, chị Ðặng Lê Thị Thanh Huyền, ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi bắt đầu chuyển qua mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành. Thời gian này, huyện Củ Chi đã có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao cho nông dân như chăn nuôi bò sữa, trồng nấm, nuôi cá cảnh,… nhưng chị Huyền vẫn quyết định theo đuổi nghề trồng lan còn khá mới mẻ. Chị dùng hết vốn liếng tích lũy được để trồng thí điểm hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích 1 ha đất của gia đình. Ðến năm 2012, chị tiếp tục chuyển đổi 4 ha đất đang trồng cao-su thành vườn trồng lan với 300 luống lan, đồng thời ứng dụng cơ giới hóa vào trồng trọt như đầu tư hệ thống tự động tưới tiêu, thuốc và phân bón. Chị cũng mạnh dạn xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho hơn 100 nghìn gốc lan Mokara. Dù thành công với nghề trồng hoa lan nhưng chị Huyền nhận ra, nếu chỉ làm cá nhân thì chi phí quá cao và đầu ra không ổn định vì chỉ tập trung vào các ngày lễ, Tết. Chị liên hệ Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân thành phố và các ban, ngành để tìm hiểu về việc thành lập hợp tác xã (HTX). Cuối cùng, chị chủ động liên kết các hộ nông dân trồng lan khác thành lập HTX hoa lan Huyền Thoại. Mỗi ngày vườn lan của HTX thu hoạch hơn 3.000 cành, với tổng thu nhập mỗi tháng hơn 300 triệu đồng. Sản phẩm của HTX hoa lan Huyền Thoại xuất hiện ở hầu hết các thành phố lớn trong nước và cả thị trường Cam-pu-chia, trở thành mô hình điểm của nền nông nghiệp đô thị TP Hồ Chí Minh.

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân thành phố vận động hơn 27 nghìn hộ nông dân chuyển đổi hơn 17 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều nông dân đã quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Về cơ bản, các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đều có thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, các cấp hội tăng cường phối hợp các sở, ngành của thành phố, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hiện hiệu quả đề án đưa nông dân học tập các mô hình sản xuất tiên tiến trong nước và ngoài nước đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân, HTX, tổ hợp tác ứng dụng các tiến bộ mới vào sản xuất, kinh doanh sau khi tham gia học tập. Trong giai đoạn 2013-2017, Hội phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và các sở, ngành, quận, huyện tư vấn hỗ trợ 16.376 lượt nông dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất từ chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết: Hội luôn đồng hành cùng nông dân và gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị, nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hay nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh ngày càng phát triển sôi nổi và đi vào chiều sâu. Từ hiệu quả của những phong trào này đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thành phố. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của Hội Nông dân thành phố trong nhiệm kỳ qua là nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể còn rất khiêm tốn. Hiện có 82% số hộ nông dân thành phố vẫn sản xuất riêng lẻ, chưa liên kết, tham gia vào các mô hình sản xuất tổ hợp tác hay HTX.

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Sản xuất ngày nay buộc người nông dân phải đặt ra câu hỏi mình sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào? Người nông dân phải nắm bắt được thị trường cần những mặt hàng gì, giá cả ra sao để có thể đáp ứng được nhu cầu. Sau đó, vấn đề sản xuất như thế nào sẽ là khâu mấu chốt để người nông dân được hưởng lợi ít hay nhiều. Trong điều kiện sản xuất hiện nay, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ nông dân, để nông dân thấy được hiệu quả về thu nhập khi tham gia tổ hợp tác, HTX so với khi sản xuất độc lập. Hội Nông dân thành phố bổ sung nội dung thi đua đối với HTX, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình sản xuất này, nhất là trong việc cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người dân thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận, đồng thời mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.

Thời gian tới, công tác hội và phong trào nông dân thành phố bên cạnh những thách thức, khó khăn còn có nhiều thời cơ phát triển. Trước thực tế đó, mỗi cán bộ hội không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đủ sức đảm đương những nhiệm vụ mà Ðảng và người nông dân giao phó. Với tinh thần "đoàn kết - đổi mới - sáng tạo - phát triển", Hội Nông dân thành phố sẽ lãnh đạo các cấp hội tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra, cùng thành phố chăm lo đời sống nông dân ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.