Lên kịch bản cung ứng hàng hóa

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra ba kịch bản ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối để lên kế hoạch cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, những ngày cuối tuần vừa qua, thị trường có dấu hiệu xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm phòng, chống dịch, gây khan hiếm cục bộ vào một số thời điểm. Tuy nhiên, hàng hóa đã được bổ sung kịp thời, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thành phố hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng tăng từ 50 đến 100% trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn. Qua các buổi làm việc giữa Sở Công thương thành phố với các DN, các đơn vị phân phối, Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đủ đáp ứng cho người tiêu dùng trong thời gian dài.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, một trong những DN chủ lực cung ứng gạo cho thị trường thành phố chia sẻ, hiện công ty dự trữ 50.000 tấn gạo, đồng thời đã chuẩn bị một lượng lớn nguyên liệu để bảo đảm cung ứng đầy đủ từ nay đến cuối năm. Nếu không có biến động quá lớn về giá trong nước và thế giới, đơn vị này sẽ tiếp tục giữ giá bán như hiện nay.

Còn bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vifon cho hay, dù sức mua các mặt hàng như mì tôm, miến, phở, hủ tiếu... có tăng nhưng công ty phối hợp chặt chẽ với Saigon Co.op để cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng. Nguồn nguyên liệu của công ty dự trữ bảo đảm sản xuất từ sáu tháng đến một năm. Ngoài ra, các DN sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán ổn định do nguồn nguyên liệu dồi dào.

Cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang: Kịch bản thứ nhất được Sở Công thương thành phố đưa ra là dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới Covid-19 trên địa bàn thành phố. Với kịch bản này, Sở Công thương bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ. Phối hợp Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm soát thị trường; không để phát sinh tình trạng đầu cơ, trục lợi; phối hợp với UBND 24 quận, huyện chỉ đạo đơn vị liên quan, ban quản lý các chợ tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, kiểm soát, không để phát tán tin đồn thất thiệt, phát sinh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Đối với DN bình ổn thị trường, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30% đến 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến hệ thống phân phối. Chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% đến 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử…

Kịch bản thứ hai là dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đơn vị sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để DN dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly. Đối với DN bình ổn thị trường, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% đến 100% so bình thường...

Với kịch bản thứ ba là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Sở Công thương triển khai ngay các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội, hỗ trợ DN dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ để sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục. Căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh, xem xét trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch. Các DN bình ổn thị trường, hệ thống phân phối và DN trên địa bàn thành phố, đơn vị liên quan, phát huy, đẩy mạnh kênh phân phối thương mại điện tử, giảm hoặc ngừng xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường tại thành phố và các tỉnh, thành phố.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn phòng, chống dịch, Sở Công thương thành phố vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện. Qua đó, đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức lực lượng nắm chắc diễn biến tình hình cung - cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, báo cáo định kỳ và đột xuất gửi về Sở Công thương, Sở Tài chính theo quy định. Kịp thời phản ánh, thông tin và phối hợp xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến trên địa bàn quận, huyện trong giai đoạn phòng, chống dịch. Giao trách nhiệm cho ban quản lý các chợ truyền thống tăng cường theo dõi, quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa. Kịp thời thông tin cho UBND quận, huyện khi có biến động giá cả tại chợ; phối hợp cơ quan chức năng trong công tác bình ổn thị trường.