Lãng phí nhiều hồ để điều tiết nước mưa, chống ngập

Theo Chương trình chống ngập nước của thành phố, đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hơn 100 hồ điều tiết. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây mới các hồ điều tiết chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh phải tốn hàng trăm tỷ đồng, trong khi nhiều hồ có sẵn lại không được kết nối để chống ngập…

Nhiều hồ lớn trong nội đô thành phố chưa được kết nối để điều tiết thoát nước, chống ngập, trong đó có hồ Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).
Nhiều hồ lớn trong nội đô thành phố chưa được kết nối để điều tiết thoát nước, chống ngập, trong đó có hồ Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).

Hiện nay, ngoài hồ điều tiết được xây dựng bằng công nghệ cross - wave ngầm của Nhật Bản ở đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), có dung tích khoảng 100 m3, thì ba hồ điều tiết ở Bàu Cát (quận Tân Bình) có diện tích 0,4 ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, Khánh Hội (quận 4) có diện tích 0,4 ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng và Gò Dưa (quận Thủ Đức) có diện tích 95 ha, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, được đề xuất làm sớm, nhưng chưa có công trình nào… "khởi động". Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cũng đã đề xuất UBND thành phố cho phép triển khai năm hồ điều tiết chống ngập trong giai đoạn 2019 - 2020, với tổng số vốn đầu tư hơn 475 tỷ đồng tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10), dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và khuôn viên cây xanh đối diện trụ sở Công an phường 25 (quận Bình Thạnh). Các hồ điều tiết này có hệ thống máy bơm, cống thu nước nhằm giải quyết tình trạng ngập nước tại các khu vực lắp đặt và những tuyến đường chung quanh. Đây chủ yếu là các hồ điều tiết ngầm xây dựng ở khu vực nội thành. Hồ ngầm lớn nhất dự kiến được xây dựng tại công viên làng hoa Gò Vấp, có dung tích 20 nghìn m3. Hồ lớn thứ hai tại công viên Hoàng Văn Thụ với dung tích khoảng 5.000 m3. Các hồ ngầm còn lại phần lớn dung tích rất nhỏ, khoảng từ 1.500 đến 2.000 m3.

Công viên Hoàng Văn Thụ có một hồ lớn, nhưng qua nhiều mùa mưa vẫn chưa bao giờ thấy đầy nước. Đáng chú ý là ở đây lại dự kiến sẽ xây thêm một hồ điều tiết ngầm để chứa nước, chống ngập. Một chuyên viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, hồ Hoàng Văn Thụ có độ sâu khoảng 4-5 m, lượng nước chứa hơn 35 nghìn m3. “Trước đây, công ty có đề xuất nên kết nối hồ với hệ thống cống bên ngoài để khi có mưa lớn, hệ thống cống thoát nước quá tải thì đưa nước từ ngoài đường vào trong hồ để chống ngập. Tuy nhiên, phương án này chưa được thực hiện. Hiện nay, hồ chủ yếu dùng để tạo cảnh quan, chưa có chức năng điều tiết nước mưa, góp phần chống ngập cho khu vực chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất”, chuyên viên này cho biết thêm. Ngoài hồ Hoàng Văn Thụ, khu vực nội thành thành phố hiện có nhiều hồ chứa cũng chưa được kết nối để chống ngập như: hồ trong công viên Lê Thị Riêng (quận 10), Khu du lịch Đầm Sen, hồ Văn Thánh (Bình Thạnh), công viên Phú Lâm (quận 6), hồ Song Tân và Hương Tràm (quận 7), hồ Kỳ Hòa (quận 10)… Theo tính toán của Công ty Thoát nước đô thị thành phố, những hồ có dung tích lớn như hồ Hoàng Văn Thụ, hồ Văn Thánh (khoảng 40 nghìn m3), hồ Kỳ Hòa (hơn 6.400 m3)… Theo khảo sát của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, trong các hồ chứa nước hiện có ở thành phố, có rất nhiều hồ nằm ở vị trí khá thuận lợi để kết nối chống ngập, nhưng công năng này chưa bao giờ sử dụng. Vì sao các hồ chứa nước có sẵn ở địa bàn thành phố lại không được kết nối với hệ thống thoát nước bên ngoài để chống ngập? Một chuyên gia của Trung tâm chống ngập thành phố (đơn vị này hiện đã bị chia tách sáp nhập về các đơn vị khác) giải thích: “Nhiều đơn vị quản lý hồ không cho đấu nối đưa cống thoát nước vào vì nước cống ở thành phố chứa cả nước mưa lẫn nước thải, cho nên đưa vào hồ sẽ gây ô nhiễm. Do đó, hiện nay với những hồ chứa nước hiện hữu, nhất là những địa điểm phục vụ du lịch, tham quan, giải trí, hồ ở đây chỉ có chức năng tạo cảnh quan, chưa kết nối điều tiết, chống ngập”. Nhưng các đơn vị hiện đang quản lý, khai thác các hồ nêu trên lại quên rằng, các hồ này là tài sản chung của cả thành phố, phải được kết nối với hệ thống thoát nước chung để điều tiết, chống ngập. Còn việc xử lý nước thải tách với nước mưa là việc phải làm, thuộc trách nhiệm của đơn vị phụ trách thoát nước thành phố.

Về chủ trương xây dựng nhiều hồ điều tiết ngầm để chống ngập cho thành phố, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả vì cho rằng hồ ngầm có dung tích hạn chế, khả năng trữ nước không đáng kể. “Theo danh sách các hồ ngầm do Trung tâm chống ngập thành phố đề xuất, hồ lớn nhất chỉ có dung tích 20 nghìn m3, loại nhỏ chỉ khoảng 1.500 m3, khả năng chứa nước để chống ngập rất hạn chế. Trong khi đó, số tiền đầu tư xây hồ lại khá cao, ước tính chi phí xây dựng mỗi hồ ngầm lên đến cả trăm tỷ đồng”, một chuyên gia phân tích. Riêng đối với đề xuất xây hồ ngầm chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, khu vực bị ngập nặng đã được lắp cống và nâng đường với kinh phí hơn 160 tỷ đồng), ông Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết, cần phải xem xét sự cần thiết của công trình này rồi mới xét đến hiệu quả: “Đầu tiên, phải đánh giá đầy đủ nguyên nhân gây ngập đường Nguyễn Văn Quá. Nếu do chưa kết nối với cửa xả thì phải tìm cách thực hiện cho xong hạng mục này vì đây là điều bắt buộc, trước sau gì cũng phải thực hiện. Khi đã thực hiện rồi mà đường vẫn bị ngập, mới tính đến phương án khác. Hồ ngầm có hiệu quả nhất định về chống ngập nhưng chỉ là giải pháp bổ sung, không phải giải pháp chính để chống ngập”, ông Phi phân tích.