Lắng nghe ý kiến của sinh viên, học sinh

Tại chương trình Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2019, nhiều học sinh, sinh viên (HS, SV) đã đóng góp ý kiến nhằm xây dựng và phát triển thành phố. Lãnh đạo thành phố cũng đã “đặt hàng” cho các bạn trẻ một số vấn đề để có thể đóng góp thiết thực xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trao đổi với học sinh, sinh viên tại buổi gặp gỡ.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trao đổi với học sinh, sinh viên tại buổi gặp gỡ.

Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) Mai Hải Yến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay khá nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cần thiết cho học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, thiếu các tiết dạy kỹ năng mềm và ứng xử giao tiếp.

Cùng suy nghĩ, bạn Nguyễn Lưu Ngọc Danh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), bày tỏ, hầu hết học sinh hiện nay chỉ học theo hình thức truyền thụ kiến thức một chiều, giờ học gói gọn trong phạm vi lớp học, ít cơ hội tìm hiểu thực tế bên ngoài. Từ thực tế đó, đề xuất ngành giáo dục có thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện và trải nghiệm thực tế.

Ở góc độ khác, bạn Phan Ngọc Thảo Vy, Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) cho rằng, chương trình đào tạo tiếng Anh ở Trường THPT hiện nay giáo viên rất khó tương tác với học sinh khi sĩ số mỗi lớp thường có đến 45 em. Chưa kể chương trình học hiện nay mới chú trọng hai kỹ năng đọc, viết mà chưa quan tâm nghe, nói; có nhiều nội dung lặp lại qua từng cấp học.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hoài Nam cho biết, hiện các trường đã tăng cường thêm nhiều tiết học trải nghiệm, thực hành kỹ năng sống. Dù vậy, chương trình học văn hóa hiện nay vẫn khá nặng, chiếm hầu hết thời gian lên lớp, cho nên các tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế.

Với bậc đại học, anh Phan Công Đức, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp cho sinh viên, tuy nhiên, các dự án đổi mới, sáng tạo chỉ dừng lại trong phạm vi cuộc thi, không có cơ hội phát triển trong thực tế. Vì vậy, mong các cấp lãnh đạo thành phố tạo thêm điều kiện phát triển các dự án khởi nghiệp của HS, SV, giúp giới trẻ phát huy được khả năng tư duy và sáng tạo.

Theo anh Huỳnh Tuấn Khương, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), sinh viên hiện nay có quá ít điều kiện phát triển kỹ năng ngành nghề, thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, trong khi phải mua lại dữ liệu từ doanh nghiệp, tìm kiếm thông tin từ các nguồn tư liệu rất tốn kém. Thành phố cần tăng cường các chương trình bồi dưỡng, tìm kiếm nhân tài từ các trường đại học để đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho người trẻ đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP Hồ Chí Minh) Lê Thanh Bình cho biết, tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tính đến tháng 2-2019 trên toàn thành phố mới đạt 40% là chưa tương xứng tiềm năng và quy mô phát triển. Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thành phố cần tập trung trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là với những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Có lộ trình nghiên cứu chế độ cũng như trách nhiệm của người giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Nên chăng đưa ra định mức cho cán bộ, công chức trong tham gia giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, cần xem xét ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Lắng nghe, ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cảm ơn những đề xuất, hiến kế của các bạn HS, SV và sẽ chuyển cho các sở, ngành liên quan để sớm có biện pháp và lộ trình thực hiện.

Để xây dựng thành phố theo mô hình đô thị thông minh và sáng tạo, trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực, yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi khách quan và cấp thiết. Lãnh đạo thành phố đã đề nghị và “đặt hàng” cho các bạn trẻ về ba vấn đề. Theo đó, các bạn HS, SV cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, nhất là ngoại ngữ, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Cố gắng biến những suy nghĩ, ý tưởng mới thành hiện thực; hiện thực hóa các ý tưởng, dự án thông qua sự hỗ trợ của các trung tâm đổi mới sáng tạo. Thỏa sức suy nghĩ, nêu ý tưởng góp phần giải quyết những vấn đề nan giải cụ thể của thành phố như ùn tắc giao thông, ngập nước, quá tải đô thị…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các trường đại học cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ những dự án của sinh viên. Sắp tới, thành phố sẽ ký ghi nhớ với Phần Lan về vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời gắn kết chặt chẽ các trường đại học với doanh nghiệp và chính quyền. Đây chính là tam giác phát triển và cần tạo thành cơ chế phát triển hiệu quả, trong đó các bạn trẻ là nhân tố quan trọng của sự phát triển đó.