Lan tỏa xu hướng sống xanh

Dùng lá chuối bọc thực phẩm, thay ống hút nhựa bằng ống hút sậy, ống hút bột, hay cùng nhau dọn rác…

Người dân lựa chọn thực phẩm được bọc bằng lá chuối, bán tại siêu thị.
Người dân lựa chọn thực phẩm được bọc bằng lá chuối, bán tại siêu thị.

Những việc làm thiết thực này đang lan tỏa hiệu ứng tích cực từ cá nhân đến doanh nghiệp.

Việc dùng lá chuối bọc thực phẩm được triển khai tại nhiều hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh vài ngày trở lại đây, nhưng đã tạo hiệu ứng tốt. Theo Saigon Co.op, hầu hết các siêu thị trong hệ thống bán lẻ của đơn vị đã triển khai việc gói các loại rau củ bằng lá chuối, nhất là các loại rau lá. Nhiều siêu thị khác tại thành phố cũng dùng lá chuối bọc thực phẩm. “Trước mắt, siêu thị sẽ áp dụng thí điểm bao gói rau bằng lá chuối liên tục trong một tháng, bắt đầu từ ngày 1-4, sau đó sẽ nghiên cứu mở rộng việc làm này” - đại diện Big C nói. Hệ thống Lottemart cũng đã triển khai dùng lá chuối gói rau, củ thay cho bao ni-lông tại siêu thị ở quận 7.

Việc nói không với túi ni-lông, ống hút nhựa thời gian gần đây được khá nhiều chủ quán ăn, tiệm trà sữa, cà-phê ở thành phố hưởng ứng tích cực. Tại một quán trà sữa, cẩn thận trao chiếc ống hút giấy cho khách, chủ quán Huỳnh Chinh Vũ vui vẻ: “Với khách mua mang đi, mình gửi ống hút, ly giấy; còn uống tại chỗ thì quán phục vụ ống hút sậy, ống hút i-nox. Mình cũng khuyến khích mang bình, chai theo khi mua mang đi và được giảm giá 5.000 đồng/lần. Mục tiêu của quán là “nói không” với sản phẩm nhựa”. Xu hướng “sống xanh” đang thu hút khá nhiều bạn trẻ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để khởi sự con đường kinh doanh của mình. Đồng sáng lập công ty Reedfarm Organic Trần Việt Anh chuyên ống hút sậy chia sẻ: “Mỗi ngày, công ty sản xuất từ 1.000 đến 2.000 ống hút sậy đưa ra thị trường. Hiện, chúng tôi vẫn đang thăm dò, chào hàng. Hy vọng, khi nhu cầu dùng sản phẩm thân thiện môi trường của khách hàng cao, sẽ có thêm nhiều hàng, quán kinh doanh thay đổi thói quen theo hướng tích cực”.

Tuy ra mắt hồi cuối năm 2018, Lại Đây Refill Station (quận 2) của hai cô gái trẻ Nguyễn Dạ Quyên và Tống Khánh Linh đã trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ có nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên. Điểm thú vị là các mặt hàng này chủ yếu làm thủ công, từ những vật liệu đơn sơ, có trong tự nhiên như mây tre, vải, thủy tinh, thiếc, đá...

Gần đây, hình ảnh các bạn trẻ tình nguyện viên quét dọn khu phố, dòng kênh, tô vẽ lại cột điện, bức tường… nhận được sự đồng thuận, hoan nghênh của cộng đồng. Nguyễn Ngọc Uyên Vy, 22 tuổi, ngụ quận Thủ Đức từng tham gia “Thử thách dọn rác”, chia sẻ: “Mong muốn của em là cùng các bạn chung tay làm đẹp môi trường góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống một cách hài hòa, thân thiện với tự nhiên…”.

Theo số liệu khảo sát phân loại rác thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy, trong rác thải sinh hoạt có tới 20% rác thải nhựa gồm: túi ni-lông, hộp xốp, chai nhựa, bao bì… Mặc dù thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách như đề ra mục tiêu giảm sử dụng túi ni-lông, thực hiện chính sách phân loại rác tại nguồn, thực hiện cuộc vận động người dân nói không với việc xả rác vào kênh rạch, hệ thống thoát nước… nhưng hiệu quả mang lại từ chương trình này chưa đạt được kết quả so với mong đợi. Trong đợt phát động “Ngày làm sạch rác thải nhựa” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Đức Hải chia sẻ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả chúng ta, để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa cần có sự chung tay của các tổ chức, các ngành, người dân… Vì vậy thông qua sự kiện này, thành phố kêu gọi người dân giảm sử dụng sản phẩm từ nhựa và ni-lông”.