Lan tỏa những tấm gương thầm lặng

TP Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đa dạng, phong phú lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Từ các phong trào thi đua yêu nước, ngay trong những công việc bình dị hằng ngày đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua để cùng hướng đến xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Các cá nhân được UBND thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả".
Các cá nhân được UBND thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả".

Trong những năm qua, người dân TP Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đoàn kết nghĩa tình, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do thành phố phát động, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của thành phố. Đã có nhiều "điểm sáng" trong phong trào thi đua của cả nước. Các phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng dân cư, từ người già đến trẻ em, từ cán bộ, đảng viên đến người dân lao động và len lỏi đến từng khu dân cư tạo thành phong trào rộng khắp, sôi nổi. Trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 3 năm 2018 vừa qua, có 17 tập thể, 79 cá nhân được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị được tuyên dương. Đây là những tập thể, cá nhân có những hoạt động, việc làm xuất phát từ tinh thần tự nguyện, tự giác, làm những việc không vụ lợi cho bản thân, đậm chất nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình, chung sức, chung lòng xây dựng cộng đồng dân cư, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn…, góp phần lan tỏa và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.

Được mệnh danh là “Lá chắn thép”, bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã bảo vệ miễn phí cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại và bạo hành. Ngoài ra, bà còn tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân, tạo cho người đến liên hệ sự thân thiện, có cái nhìn tốt đối với nghề luật sư. Bà kể: “Nhiều vụ tôi và các luật sư trong chi hội bỏ tiền túi hỗ trợ chi phí cho gia đình nạn nhân vì họ quá nghèo. Nhiều lần vì bảo vệ cho các trẻ em bị xâm hại và đưa hung thủ ra trước vành móng ngựa, tôi và đồng nghiệp bị khủng bố tinh thần, bị hăm dọa, nhưng chúng tôi không nản lòng, sẵn sàng nhận phần thiệt về mình để bảo vệ nạn nhân, bảo vệ pháp luật”. Hay tập thể thầy thuốc Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái đã tiếp nhận, điều trị và chăm sóc toàn diện cho hơn 400 lượt người bệnh. Hầu như các người bệnh đến đây đều trong tình trạng sức khỏe rất yếu, đã chuyển sang giai đoạn 3, giai đoạn 4 của bệnh AIDS. Ai cũng bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, các cơ quan phủ tạng đều viêm nhiễm… Vì thế, đội ngũ y sĩ, bác sĩ phải làm việc cật lực, không phân biệt đối xử và luôn gần gũi động viên họ. Ngoài ra, khoa tổ chức và tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại địa phương nơi đơn vị đóng chân. Vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tặng quà, ủng hộ tiền cho người bệnh HIV/AIDS tại bệnh viện.

Trong khi đó, “thầy giáo” Hoàng Trọng Khánh, Công nhân Công ty Liên doanh Bio - Pharmachemie, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lại mở lớp học tình thương miễn phí cho trẻ em nghèo tại phường Phước Long B, quận 9. Từ năm 2010, anh đã dạy học miễn phí cho hơn 200 trẻ em tại nơi mình sinh sống và con em công nhân lao động trong công ty. “Việc dạy học miễn phí cho trẻ chỉ với mong muốn giúp các em ý thức được rằng cần phải học tập để trở thành người có ích. Bản thân tôi là công nhân, cuộc sống cũng khó khăn, nhưng khi nhìn thấy những người sống trong khu trọ có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, cần được hỗ trợ thì tôi sẵn sàng giúp đỡ”, anh Trọng Khánh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, phẩm chất nghĩa tình luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Nhiều phong trào được thành phố khởi xướng và đi đầu trong cả nước như: Phong trào vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa - tình thương, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung sức xây dựng nông thôn mới… đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Phẩm chất nghĩa tình, nhân ái dường như thấm đẫm trong mỗi con người thành phố. Bằng cách rất riêng, họ thầm lặng, không ồn ào, không vụ lợi, ít người biết đến, nhưng vẫn hằng ngày góp phần tích cực để xây dựng thành phố. Đây là những hạt giống ươm mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống, là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

Nói về phương hướng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể thành phố tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tạo sự lan tỏa rộng khắp thành phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng trong đông đảo quần chúng nhân dân thành phố. Qua đó, cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp, bởi cho đi chính là nhận lại rất nhiều. Để tình yêu thương và lòng nhân ái nở hoa trong lòng cuộc sống chúng ta. Để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành nếp sống của con người thành phố.

Không chỉ có những gương tập thể, cá nhân được tuyên dương, trong nhịp sống sôi nổi thường nhật, còn nhiều tấm gương sáng, điển hình ngày đêm thầm lặng làm những công việc bình thường giúp ích cho đời, cho xã hội. Việc làm của họ thầm lặng, giản dị và đời thường nhưng hết sức cao cả, góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh ngày càng “Văn minh - hiện đại - nghĩa tình” xứng đáng được mang tên Bác Hồ kính yêu.