Lan tỏa những phong trào thi đua yêu nước

Từ những phong trào thi đua chung tay xây dựng quê hương, đồng tâm, hiệp lực, vượt khó thành công, huyện Củ Chi đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng với những việc làm thiết thực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Công ty TNHH TM & DV Quang Xuân ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Công ty TNHH TM & DV Quang Xuân ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Nói đến huyện Củ Chi là nói đến địa phương có sản lượng sữa tươi và tổng đàn bò sữa chiếm hai phần ba tổng đàn bò sữa của thành phố. Tuy nhiên, trong các sản phẩm chào bán trên thị trường chưa ai biết được nguồn gốc sữa có từ đàn bò sữa ở Củ Chi. Mặt khác, khi cung cấp nguyên liệu sữa cho các công ty thì số lượng có hạn, phần sữa dư thừa không có nơi tiêu thụ. Điều này gây khó khăn cho người nông dân vốn xem việc chăn nuôi bò sữa là nguồn kinh tế chính. Từ thực tế này, HTX sữa bò Tân Thông Hội đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu sữa bò Củ Chi bằng cách xây dựng nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi ở xã Hòa Phú với diện tích 3.000 m2. Mỗi ngày, nhà máy chế biến 30 tấn sữa. Các sản phẩm sữa của nhà máy là sữa thanh trùng, sữa chua được phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Từ đây, sữa bò Củ Chi đã có thương hiệu và người nông dân có thêm địa chỉ tin cậy để tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp góp phần đưa kinh tế huyện Củ Chi phát triển, đó là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất nông nghiệp. Việc làm này đã giảm chi phí nhân công trong lao động, tăng chất lượng và giá thành sản phẩm, giúp người nông dân vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững. Điển hình như mô hình trồng ớt để cho ra sản phẩm sạch, an toàn của nông dân Nguyễn Thị Kim Xuân ở xã Trung Lập Thượng. Bằng sự cần cù, chịu khó học hỏi cái mới, chị đã xây dựng nhà lều ngay trên mặt ruộng và trồng ớt trong bầu giá thể, chủ động bón phân, tưới nước trong hệ thống nhà lều, không lệ thuộc vào khí hậu hay thổ nhưỡng. Mỗi cây ớt chị trồng có thời gian thu hoạch từ hai đến ba năm và mỗi lứa có thể thu hoạch từ 2 đến 3 kg/cây.

Từ sự luôn đồng hành, quan tâm sẵn sàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cho thấy, những năm gần đây huyện Củ Chi đã thu hút số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn ngày càng nhiều, góp phần tích cực trong việc giải quyết công ăn, việc làm cho người dân, đặc biệt là tăng nguồn thu ngân sách địa phương rất lớn. Cụ thể, năm 2017, huyện Củ Chi đã thu ngân sách đạt con số hơn một nghìn tỷ đồng, lần đầu tiên chính thức đưa huyện gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của thành phố.

Củ Chi được mệnh danh là “Đất Thép Thành Đồng” bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, ý chí kiên cường của lòng dân, lòng đất đã làm nên những chiến công vang dội trong công cuộc giành độc lập tự do cho quê hương. Tri tôn những thành quả đó, nhiều đợt kỷ niệm lớn được tổ chức, đó là lần đầu tiên huyện tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất Thép Thành Đồng”; kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với chủ đề: “70 năm - 70 ngày - 70 công trình - Nghĩa tình Đất thép”; 70/70 công trình đền ơn đáp nghĩa được thực hiện trên địa bàn huyện với số tiền hơn hai tỷ đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên huyện vận động được trong nhân dân số tiền hơn 5,2 tỷ đồng để gây quỹ chăm lo gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của thế hệ hôm nay thể hiện sự ghi nhớ, tri ân công lao của thế hệ đi trước.

Lần đầu đến cơ quan hành chính để liên hệ làm việc, ông Nguyễn Văn Sước (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế nhưng, cảm giác này nhanh chóng được xóa tan khi ông được cán bộ ở bộ phận tiếp dân UBND huyện Củ Chi giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục một cách tận tình.

Thời gian qua, huyện đã chấn chỉnh kịp thời những cán bộ, công chức bị nhân dân phản ánh về thái độ vô cảm, thiếu tôn trọng với nhân dân, còn cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Thay vào đó là những tấm gương cán bộ, công chức cần mẫn, sáng tạo, linh hoạt, không ngại khó khăn trong hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin cậy... Ngoài ra, mới đây, huyện Củ Chi còn tạo thêm niềm vui cho người dân trong cải cách thủ tục hành chính công như trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu tận nhà cho trẻ mới chào đời. Việc làm này nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền huyện và quan trọng là nâng cao chất lượng, hướng tới một chính quyền phục vụ tốt đối với người dân.

Theo đó, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày càng làm cho quê hương “Đất Thép Thành Đồng” trở thành huyện văn hóa nông thôn mới, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.