Kỳ vọng vào sự đột phá phát triển của thành phố

Ngày 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc. Đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố kỳ vọng nghị quyết của đại hội lần này sẽ mở đường cho thành phố đột phá phát triển nhanh, bền vững hơn…

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Gửi gắm niềm tin vào Đại hội, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) Phạm Phương Bình kỳ vọng: “Đại hội sẽ đề ra Nghị quyết với những chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề cơ bản phục vụ cuộc sống thiết thực cho người dân như ngập nước, kẹt xe, xây dựng và chỉnh trang đô thị, quy hoạch… Quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Chú trọng đầu tư cho giáo dục. Mạnh dạn đổi mới chương trình và thực hiện cơ chế tự chủ. Đẩy mạnh cơ chế phân cấp để “cởi trói” về cơ chế, quy định nhằm giúp giáo dục có thể phát triển và hội nhập bền vững; tăng tính liên thông giữa các bậc học. Cùng với đó, Đại hội cần đưa ra cơ chế phát triển nguồn lực phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử. Phát huy vai trò và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng thành phố Thủ Đức theo hướng hiện đại”. 

Ông Phan Văn Điền, ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, phấn khởi cho hay: “Đến nay, huyện Củ Chi đã hoàn thành các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng chất. Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu, hằng năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Tôi tin tưởng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 sẽ có những giải pháp đầu tư mạnh hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Chị Nguyễn Thiên Linh, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh, tâm sự: “Tôi gắn bó với thành phố đã 20 năm, từ một sinh viên từ quê vào học đại học. Đến nay, mảnh đất này đã cho tôi một gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định. Ở TP Hồ Chí Minh, con tôi không phải lo thiếu trường, thiếu lớp từ mẫu giáo đến đại học. Dịch vụ y tế trải khắp từ cấp phường cho đến thành phố với nhiều tiện ích, lựa chọn. Các dịch vụ hành chính luôn cải tiến nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, đặt người dân lên vị trí trung tâm trong cung cách phục vụ… Dù vậy, thành phố vẫn còn không ít hạn chế và tôi mong trong nhiệm kỳ mới sẽ cải thiện được…”.

Bạn Nguyễn Mai Linh, ở phường Phước Long B, quận 9, chia sẻ: “Là một tri thức trẻ, tôi và nhiều bạn trẻ nhận thấy từ nhiều năm qua, các chương trình tình nguyện đã trở thành “thương hiệu” của tuổi trẻ thành phố. Chúng tôi luôn mong muốn thành phố tạo điều kiện, cơ chế để thu hút được đội ngũ trí thức trẻ để họ chung tay xây dựng thành phố”.

Ông Nguyễn Văn Châu, cán bộ hưu trí, ngụ phường 4, quận Tân Bình bày tỏ: “Đại hội mới, tầm nhìn mới đã được thành phố đặt ra thông qua Báo cáo chính trị được đăng tải, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Thế hệ đi trước như chúng tôi luôn tin và mong rằng thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt xử lý “những con sâu” “đục khoét” tài sản công, làm chậm sự phát triển của thành phố. Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp về kiểm soát, quản lý chặt chẽ về mặt hành chính, con người, ngay từ khâu lựa chọn nhân sự, Đại hội cần sáng suốt lựa chọn được những cán bộ đầy đủ phẩm chất, năng lực để đưa thành phố đi lên”. 

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu may thêu Phúc An Phạm Thị Bích Kiều (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Mong muốn ở nhiệm kỳ tới, thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực, các khâu sẽ nhanh gọn hơn để người dân, doanh nghiệp không phải tốn thời gian, chi phí, không phải mất đi những cơ hội đầu tư tốt. Chúng tôi luôn đồng hành cùng Đảng bộ thành phố xây dựng TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hiện đại bậc nhất không chỉ của cả nước mà còn vươn tầm quốc tế”.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, quận 9), gửi gắm: “Thành phố dành sự quan tâm nhiều hơn nữa và bằng những chương trình thiết thực đối với công nhân lao động. Họ đang đối mặt nhiều vấn đề mà bản thân không thể tự giải quyết được…”. 

Là một nghệ sĩ trên lĩnh vực đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO công nhận, NSƯT Thanh Tuyết cảm thấy rất tự hào và càng tự hào hơn khi được sống trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử là TP Hồ Chí Minh. Từ khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể tới nay, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này. NSƯT Thanh Tuyết mong muốn: “Để đờn ca tài tử được bảo tồn và phát triển hơn nữa, thành phố cần có những chính sách lâu dài, cụ thể hơn. Trong chiến lược phát triển văn hóa, thành phố cũng nên tạo ra nhiều không gian văn hóa dân tộc nói chung và đờn ca tài tử nói riêng để tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho thành phố. Tôi mong muốn các đơn vị liên quan đưa đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch văn hóa một cách bài bản, hấp dẫn, lâu dài…”. 

Họa sĩ Trương Hán Minh, dân tộc Hoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, kỳ vọng thành phố sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển nhanh nhưng phải bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải chống cho được suy thoái, lợi ích nhóm, phát huy vai trò người đứng đầu.  

Trước đó, vào ngày 28-12-2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo. Cùng với sự tham gia góp ý của các cơ quan báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, dự thảo Báo cáo chính trị đã được các tầng lớp nhân dân thành phố nhiệt tình góp ý, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố trên tất cả các lĩnh vực; nhiều ý kiến là các giải pháp quý báu góp phần hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố…