Kỳ vọng từ dự án ngăn triều 10 nghìn tỷ đồng

Nhiều năm qua, chống ngập lụt là một trong những vấn đề luôn được thành phố quan tâm, đầu tư bằng nhiều dự án để nâng cao chất lượng đời sống người dân, bộ mặt đô thị. Trong đó, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một trong các dự án được người dân kỳ vọng sẽ hoàn thành, phát huy hiệu quả trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: TN
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: TN

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án ngăn triều) do UBND thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Trung Nam ký kết thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vào tháng 6-2016. Theo UBND thành phố, dự án chống ngập này sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Công trình sau khi hoàn thành sẽ giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Hợp đồng BT có tổng giá trị gần 10 nghìn tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công trình gặp một số vướng mắc phát sinh về vấn đề giải ngân vốn từ ngân hàng, thiếu mặt bằng thi công,… cho nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành như kế hoạch. Cụ thể, trong quá trình thực hiện, do vướng nhiều vấn đề phát sinh nên hai bên đã ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hoàn thành dự án (hết hạn từ ngày 26-6-2020). Tổ đàm phán hai bên đã thống nhất một số nội dung của phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 24-9-2020 nhưng từ đó đến nay, phụ lục này vẫn chưa được ký cho nên trên các công trường, công nhân không thể thi công theo kế hoạch.

Ðại diện đơn vị thi công cho biết: Khi chưa có phụ lục hợp đồng, đơn vị không thể tiếp tục triển khai vì một số hệ lụy về pháp lý như doanh nghiệp không mua được bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước ngưng tái cấp vốn cho dự án,… Hiện nay, mỗi ngày đơn vị thi công ngoài tiền lãi suất ngân hàng còn phải "gánh" các chi phí phát sinh khoảng 200 triệu đồng/ngày ngoài dự kiến như: Duy trì nhân lực, phương tiện chờ thi công. Ngoài ra, một số mặt bằng tại huyện Nhà Bè vẫn chưa được giải tỏa nên công tác thi công vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Ðáng nói, quá trình hợp tác đầu tư này, Sở Kế hoạch và Ðầu tư là đơn vị chức năng đóng vai trò tham mưu UBND thành phố nhưng tại lần thương thảo ký phụ lục hợp đồng này, Sở Kế hoạch và Ðầu tư lại yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án và xin ý kiến Chính phủ.

Ðể dự án này sớm hoàn thành, tại các buổi làm việc liên quan, Chính phủ, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các kết luận đồng ý ký phụ lục hợp đồng để dự án tiếp tục được thi công. Trong đó, ngày 21-8-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có kết luận liên quan đến vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng giao UBND thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, xử lý gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Trước đó, vào tháng 10-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo: Dự án ngăn triều do UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, cho nên UBND thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án. Việc triển khai thực hiện dự án nêu trên và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có thông báo gửi đến Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ngành chức năng với nội dung: Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án này tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ngày 21-8-2020; chỉ đạo UBND thành phố làm việc với Ngân hàng Nhà nước thống nhất các thủ tục để tiếp tục gia hạn tái cấp vốn cho dự án; các sở, ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn về vốn, phụ lục hợp đồng để dự án sớm hoàn thành, góp phần ngăn triều hiệu quả, giảm ngập úng cho thành phố. Theo cam kết của đơn vị thi công, nếu các vướng mắc sớm được giải quyết thì các đơn vị thi công sẽ chỉ mất từ 4 đến 6 tháng để đưa công trình vào khai thác, bảo đảm các mục tiêu chống ngập mà thành phố đề ra.

Với một dự án có nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng, người dân thành phố kỳ vọng các cơ quan chức năng cùng ngồi lại tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để công trình sớm khởi động trở lại, tránh lãng phí các nguồn tài nguyên đang "đắp chiếu" trên công trình. Ðồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với một công trình mang tầm vóc lớn của thành phố phát huy tác dụng trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng "hễ mưa là ngập" đã gây bao khó khăn cho người dân thành phố nhiều năm qua.