Kiều bào đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương

Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính và Đô thị sáng tạo không chỉ là mong ước, khát vọng của người dân thành phố, mà còn là kỳ vọng của rất nhiều kiều bào luôn trong tâm thế sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương văn minh, hiện đại.

Sản phẩm nông nghiệp sạch được nhiều kiều bào quan tâm, đầu tư sản xuất.
Sản phẩm nông nghiệp sạch được nhiều kiều bào quan tâm, đầu tư sản xuất.

Đây là điều mà các nhà khoa học, trí thức kiều bào gửi gắm tại hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào hiến kế xây dựng thành phố trở thành Trung tâm tài chính và Đô thị sáng tạo, diễn ra ngày 6-4. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Với hơn 300 năm lịch sử, TP Hồ Chí Minh là thành phố đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa. Ngoài ra, thành phố còn đóng góp lớn về mặt kinh tế của cả nước. Do đó, thành phố phải là cái nôi của sáng tạo. Tuy nhiên, dân số thành phố ngày càng lớn khi cứ 5 năm tăng thêm một triệu người; hạ tầng không được quy hoạch tốt nên gây ách tắc về giao thông; nhiều vấn đề tồn tại về nhà ở, rác thải…Thành phố đã chọn các quận 2, 9, Thủ Đức để xây dựng Khu đô thị sáng tạo. Khu vực này được xác định là sản phẩm của tri thức mới, ứng dụng những cái mới, thu hút những người có năng lực trí tuệ cao nhất, từ đó lan tỏa ra mười triệu dân của thành phố. Theo đó, thành phố đang tập trung xây dựng Khu đô thị sáng tạo và Trung tâm tài chính, rất cần nguồn lực để phát triển, trong đó có sự đóng góp ý kiến của các kiều bào.

Trăn trở với nạn kẹt xe mà thành phố vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào tại Nhật Bản), hiến kế đề án: “Giải quyết kẹt xe bằng trí tuệ con người Việt Nam, có kế thừa trí tuệ nhân loại”. Đó là một hệ thống thống kê, tính toán, nhận diện các loại phương tiện lưu thông cả hai chiều; phân tích cụ thể từng loại xe; có khả năng đếm xe trong bóng tối, nhận diện người đi xe máy không đội nón bảo hiểm; phát hiện xe ngừng di chuyển giữa đường… Hệ thống còn phân tích hình ảnh và tính toán ra loại xe nào, giờ phút nào xuất hiện nhiều trên đường; kẹt xe cấp độ nào và chỉ ra khuynh hướng lưu thông từng thời điểm ban đêm, ban ngày, ngày mưa, ngày lễ… Từ đó, thành phố hoàn toàn điều chỉnh lưu lượng xe đi lại và góp phần giải quyết kẹt xe bằng thông tin - một giải pháp không hề tốn nhiều tiền.

Đóng góp về chiến lược phát triển đô thị của thành phố, TS khoa học, Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào tại Mỹ) nhận xét: TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong việc xây dựng đô thị thông minh, nhưng vấn đề là cần có sự kết nối giữa các vùng, kết nối các dự án, kết nối hạ tầng với nhau để tạo ra tiện ích lớn nhất, cùng khai thác tốt tiềm năng, cùng phát triển. KTS Nam Sơn phân tích, ở khu vực phía đông (quận 2, 9, Thủ Đức), thành phố cần tạo ba động lực chính cho đô thị thông minh: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (chức năng tài chính); Khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao (nghiên cứu, công nghệ cao); và Khu vực cảng Cát Lái (logistics, xuất nhập khẩu). Cả ba khu này đều là đô thị thông minh, có mức độ ứng dụng khác nhau, kết hợp cùng nhau để đem lại hiệu quả lớn nhất. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng có yêu cầu khác nhau về hạ tầng, nếu thành phố đáp ứng được thì sẽ thu hút được người về ở. Khi có người đến ở, thì câu chuyện về nguồn tài chính để xây dựng đô thị thông minh là không khó. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc - GS Trần Hải Linh cho biết: Thành phố muốn xây dựng Đô thị sáng tạo, trước mắt, cần hình thành ngay Ủy ban tư vấn xây dựng Khu đô thị sáng tạo, thành viên Ban tư vấn bao gồm các chuyên gia trí thức trẻ, doanh nhân kiều bào tiêu biểu, chuyên gia kinh tế - xã hội… để có ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm học hỏi từ các nước phát triển. Đồng thời, đưa ra kế hoạch phát triển đô thị sáng tạo tầm ngắn, trung và dài hạn và tranh thủ “đi tắt đón đầu” trong khâu xây dựng để tiết kiệm thời gian; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thu hút chuyên gia cho xây dựng đô thị sáng tạo; hình thành ngành công nghiệp tái tạo…

Góp ý về xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị sáng tạo, ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào tại Xin-ga-po) đề nghị thành phố phải tạo giá trị riêng cho mình, mang giá trị cốt lõi theo ba chữ T: thân thiện, tử tế và tích cực. “Chúng ta nên chủ động đề xuất, đưa ra giải pháp thay vì chê bai và chỉ trích… Đó là tư duy tích cực. Trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố chưa có sự kết nối với các đô thị sáng tạo trên thế giới, thay vì chùn bước, tại sao TP Hồ Chí Minh không tiên phong tạo ra những kết nối với các thành phố sáng tạo trên thế giới” - ông Đăng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, trở thành Đô thị sáng tạo và Trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là một khát vọng, mà còn là kế hoạch cần triển khai của thành phố nhằm xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như việc thực thi các công cụ tài chính khác của các cơ quan nhà nước. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Thành Phong hy vọng, thành phố sẽ từng bước khắc phục được bất cập, trở thành thành phố đáng sống, phục vụ tốt nhất nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có kiều bào. “Một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, mà còn là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Theo Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, có hơn 400 nghìn lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Đáng chú ý, kiều bào trở về nước không chỉ với mục đích thăm người thân, mà còn quan tâm đầu tư kinh doanh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thành phố. Năm qua, lượng kiều hối về thành phố đạt hơn 5 tỷ USD và 70% kiều hối được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, đã có hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức hợp tác nghiên cứu, khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng.