Kiên quyết xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài của hàng trăm doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, buộc DN phải nghiêm túc trả lại quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trong đó có biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo luật định…

Doanh nghiệp làm thủ tục cho người lao động tại cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp làm thủ tục cho người lao động tại cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3-2018, lần đầu cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh chuyển cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh vụ việc vi phạm nghiêm trọng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của Công ty TNHH Nam Phương đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi với số tiền nợ cộng lãi phạt hơn 12,8 tỷ đồng để xử theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tháng 4-2019, BHXH thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ 10 DN nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền hàng chục tỷ đồng. Theo BHXH thành phố, 10 DN này đều bị cơ quan BHXH thanh tra trong năm 2018, có kết luận thanh tra và sau đó có quyết định xử phạt hành chính của UBND thành phố nhưng vẫn không khắc phục nợ đọng, thậm chí từ đó đến nay còn tiếp tục nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Đơn cử, Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp (Descon) đóng trên địa bàn quận 1, từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2019 đã nợ số tiền BHXH, BHYT, BHTN hơn 12,7 tỷ đồng của 140 người lao động. Tháng 10-2018, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã lập đoàn thanh tra liên ngành đối với Descon, sau đó UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính DN này với số tiền 210 triệu đồng. Thế nhưng, không chỉ chây ỳ nợ BHXH gây bức xúc cho hàng trăm người lao động, Descon cũng chưa thực hiện nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND thành phố ban hành về chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; không có phương hướng khắc phục sai phạm. Tương tự, Công ty cổ phần Tư vấn thương mại, dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, quận Phú Nhuận cũng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài từ tháng 6-2018 đến tháng 3-2019 với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.

Theo Phòng Khai thác thu nợ, BHXH thành phố, hai DN nêu trên nằm trong số 10 DN có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, mặc dù bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần và yêu cầu khắc phục, nhưng cả hai đơn vị đều cố tình né tránh, buộc cơ quan BHXH phải chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh.

Thống kê của BHXH thành phố đến tháng 5-2019 cho thấy, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị là 1.582 tỷ đồng (giảm 49,66% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, có 218 DN, đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn một tỷ đồng; nhiều DN nợ từ 15 đến 30 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm không có giải pháp khắc phục…

Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, cơ quan BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị khởi tố hình sự các DN nợ đọng lớn. Tính đến cuối tháng 6-2019, bảy trong số 10 DN bị chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra đã khắc phục một phần số tiền nợ. Tuy nhiên, còn một số DN nợ BHXH với số tiền đến vài chục tỷ đồng vẫn chây ỳ không khắc phục sai phạm nên rất cần cơ quan điều tra vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Để công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN đạt hiệu quả, BHXH thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra pháp luật lao động và BHXH; phối hợp Công an thành phố trong việc thu hồi nợ; phối hợp Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố mời các đơn vị còn nợ đọng lên trao đổi, làm việc. Nếu các DN, đơn vị vẫn chưa khắc phục số tiền nợ, BHXH thành phố Hồ Chí Minh chủ động gửi thư mời những nơi nợ từ ba tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng trở lên để đôn đốc, nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Đến nay, BHXH thành phố đã gửi thư mời đến 209 đơn vị nợ từ ba tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 92 tỷ đồng, trong đó có 117 đơn vị khắc phục với số tiền 70,89 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 77%).

Đối với những đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN từ sáu tháng và nợ từ 300 triệu đồng trở lên, BHXH gửi thông báo và đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo tình hình trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đến hàng nghìn đơn vị qua hệ thống bưu điện; chủ động theo dõi, đôn đốc đơn vị nộp tiền trước ngày cuối cùng của tháng.

BHXH thành phố cũng tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đối với những DN không khắc phục số tiền nợ quỹ BHXH mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Đến nay, BHXH thành phố đã thực hiện 257 cuộc thanh tra chuyên ngành với số tiền nợ đọng 96 tỷ đồng và qua thanh tra, một số đơn vị đã khắc phục số tiền nợ được 35,7 tỷ đồng…