Không chủ quan trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong năm nay. Tuy số ca mắc SXH giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 nhưng không vì thế mà người dân có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc chủ động phòng, chống sẽ giúp kiểm soát căn bệnh truyền nhiễm này, không để gia tăng trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng kiểm tra một địa điểm có nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại quận 5.
Lực lượng chức năng kiểm tra một địa điểm có nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại quận 5.

Từ đầu mùa mưa đến nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống bệnh SXH tại các quận, huyện. Hầu hết các địa phương được giám sát đều chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trong lúc cao điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân lơ là trong việc tiêu diệt loăng quăng nhằm ngăn chặn sự sản sinh muỗi truyền bệnh SXH.

Trong tám tháng năm 2020, tình hình bệnh SXH tại huyện Củ Chi có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Phú Hòa Đông và thị trấn Củ Chi. Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức đoàn giám sát công tác phòng, chống bệnh SXH tại các xã, thị trấn có trường hợp bệnh tăng cao. Ghi nhận thực tế cho thấy, phần lớn người dân đều có kiến thức về bệnh SXH. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, vẫn còn một số hộ chưa chủ động trong việc diệt loăng quăng tại chính ngôi nhà của mình. Nhiều gia đình vẫn còn nhiều vật chứa nước có loăng quăng và những vật chứa nước có nguy cơ phát sinh loăng quăng.

Trong khi đó, các công trình thi công dở dang cũng là nơi dễ phát sinh thành ổ dịch SXH. Trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH tại quận 5, đoàn kiểm tra của Sở Y tế thành phố đã phát hiện nhiều vũng nước đọng tại một số công trình đang thi công trên địa bàn phường 8 có loăng quăng. Đây là điểm nguy cơ có thể gây ra ổ dịch SXH trên địa bàn quận. Kiểm tra tại huyện Bình Chánh, ngành chức năng phát hiện nhiều vật dụng đựng nước không đậy nắp cũng như nhiều vật phế thải chung quanh nhà dân có đọng nước. Trong bảy tháng năm 2020, bệnh SXH trên địa bàn huyện Bình Chánh giảm hơn hai phần ba so với cùng kỳ năm 2019 và không có người chết. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều nơi trên địa bàn huyện, nhất là những nơi tập trung đông dân cư, việc người dân vẫn thiếu ý thức trong việc phòng, chống SXH thì nguy cơ bệnh truyền nhiễm này gia tăng trong thời gian tới là có thể xảy ra...

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tám tháng năm 2020, bệnh SXH trên địa bàn thành phố giảm 73% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, ngành y tế đã ghi nhận một người chết do SXH. Đây là trường hợp nhập viện trễ và bệnh đã diễn tiến nặng trước khi nhập viện. Do đó, trong thời điểm dịch SXH dễ phát sinh, phát triển trong năm, người dân không nên chủ quan trong việc phòng tránh. Khi có dấu hiệu bệnh, nhất là các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, thì cần nhanh chóng đi khám bệnh, không được tự ý điều trị tại nhà. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết, khi mắc bệnh SXH cần đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị kịp thời, không để tình trạng bệnh trở nên rất nặng thì nguy cơ tử vong sẽ cao. “Những dấu hiệu bệnh SXH chuyển biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế đó là ói nhiều, đau bụng nhiều, có những dấu hiệu xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu… Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt. Chúng ta cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng chứ không chờ cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng rồi mới chuyển bệnh nhân nhập viện”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo...

Để bệnh SXH không gia tăng trong thời gian tới, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng tránh trong nhân dân vẫn là điều quan trọng nhất. Bác sĩ Lê Hồng Nga (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong công tác phòng, chống bệnh SXH, diệt loăng quăng là vấn đề gốc. Việc người dân không chủ động đậy nắp các vật chứa nước, để nước đọng trong chum, vại là môi trường thuận lợi để sinh loăng quăng, làm bệnh SXH gia tăng. Chính vì thế, công tác truyền thông cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa nhằm vận động người dân thực hiện diệt loăng quăng, không để tồn tại môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Đồng thời, truyền thông cần tuyên truyền về các dấu hiệu nặng của bệnh để người dân không chủ quan, đi khám và điều trị bệnh kịp thời nhằm hạn chế các trường hợp tử vong.

Các địa phương cần giám sát loăng quăng tại các ổ dịch và điểm nguy cơ trên địa bàn, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình. Cùng với đó, tăng cường xử phạt theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” đối với những hộ dân, điểm nguy cơ vi phạm có vật chứa nước phát sinh loăng quăng. Khi người dân có ý thức thực hiện các biện pháp phòng tránh tại chính ngôi nhà của mình thì khi ấy, bệnh SXH sẽ không còn nguy cơ xuất hiện và gia tăng trên địa bàn thành phố.