Khởi sắc từ nông thôn mới ở Thạnh An

Là một trong các xã ven biển của huyện Cần Giờ, Thạnh An có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện 7 km đường thủy. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối cho nên gặp nhiều khó khăn. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với quyết tâm của địa phương cùng sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị, Thạnh An hôm nay đã thật sự khởi sắc.
Đời sống người dân trên xã đảo Thạnh An thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đời sống người dân trên xã đảo Thạnh An thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sức sống mới trên xã đảo

Năm 2013, Thạnh An được chọn là xã điểm xây dựng NTM. Theo lãnh đạo xã Thạnh An, đây là vinh dự và trách nhiệm nặng nề bởi các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi được chọn, UBND xã đã tổ chức khảo sát thực tế, rà soát và đánh giá thực trạng nông thôn; đồng thời tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm các xã đã hoàn thành các tiêu chí NTM trên địa bàn huyện. Theo đó, Thạnh An phân ra các giai đoạn cụ thể để thực hiện công tác điều hành, quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân và các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng NTM.

Khi bắt tay vào thực hiện đề án, UBND xã và Ban Quản lý xây dựng NTM xã đã chủ động triển khai tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: lắp đặt pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan, lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng NTM vào một số hội nghị, cuộc họp; tổ chức lễ phát động phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”… Ngoài ra, xã chú trọng công tác tập huấn về chương trình NTM nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát tại cộng đồng đối với đội ngũ cán bộ xã, ấp, các đoàn thể về xây dựng NTM; tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất, làng nghề hiệu quả tại các tỉnh miền trung và miền tây...

Chúng tôi trở lại xã đảo Thạnh An sau hơn bốn năm người dân nơi đây chính thức được thụ hưởng niềm vui sử dụng nguồn điện lưới quốc gia (tháng 4-2015). Có điện, đời sống người dân đổi thay từng ngày. Chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ ấp Thạnh Hòa phấn khởi cho biết: Sau khi có điện lưới, đời sống của nhiều gia đình ở đây thay đổi rất lớn. Không chỉ được sử dụng các thiết bị điện đầy đủ mà bà con còn đầu tư để làm kinh tế. Từ hơn hai năm nay, tiệm cháo dinh dưỡng gia đình chị Hiền mở ra ngày một đông khách. Ngoài ra, chị Hiền còn xây nhà trọ cho khách du lịch lên đảo thuê nghỉ theo ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An Đặng Hoàng Sơn cho biết: Qua hai giai đoạn thực hiện xây dựng NTM (2013 - 2015 và 2016 - 2020), đời sống của người dân đang ngày một tốt lên. Điều này, thể hiện rõ ở các tiêu chí NTM mà địa phương triển khai. Ông Sơn dẫn chứng, thông qua việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật phục vụ sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển các ngành nghề; xã đã tích cực thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên cơ sở lợi thế của địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ các hộ nuôi hàu, tôm, cá lồng bè đang ngày một tăng lên; nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ… Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Cùng hướng về xã đảo

Thực hiện chủ trương hỗ trợ cho xã xây dựng NTM theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 746-TB/TU ngày 27-3-2014, Thạnh An đã được nhiều đơn vị tích cực hỗ trợ. Điển hình như: Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng 151 căn nhà, tặng học bổng, máy thông tin liên lạc; quận Phú Nhuận xây tặng 36 căn nhà tình thương, tình nghĩa, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn xây dựng 14 căn nhà cùng hàng trăm suất học bổng cho học sinh trên đảo,… Ngoài ra, UBND xã còn tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Qua hai giai đoạn xây dựng NTM, bộ mặt xã đảo Thạnh An hôm nay đã thật sự đổi thay. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững thông qua việc nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM, Thạnh An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ tịch UBND xã Thạnh An Huỳnh Anh Tuấn cho biết: Một trong những vấn đề đó là công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù của xã. Lực lượng lao động trẻ đi làm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, còn lại một bộ phận lao động trung niên chủ yếu là nữ, có gia đình, có nhu cầu làm việc tại chỗ. Xã tập trung giải quyết lao động tại chỗ nhưng không mang tính bền vững, các đơn vị, doanh nghiệp chưa có hướng đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập chưa thật sự mang tính bền vững. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do việc phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là sản xuất nuôi trồng thủy sản. Việc quy hoạch ngành sản xuất, nuôi trồng thủy sản chưa được thực hiện; việc tách ranh giới rừng phòng hộ đối với khu vực trung tâm xã và một số khu vực của ấp Thiềng Liềng chậm giải quyết ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của xã, đời sống của người dân.

Mục tiêu đến cuối năm 2019, xã sẽ hoàn thành hai tiêu chí còn lại (thu nhập và hộ nghèo), đến năm 2020 triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Chủ tịch xã Huỳnh Anh Tuấn cho biết: Xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình xây dựng NTM đến các tầng lớp nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới; định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của các tầng lớp nhân dân, giảm nghèo bền vững; kết nối với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để cùng chung tay hỗ trợ xã đảo,…