Khoa học và công nghệ với mục tiêu phát triển bền vững

Do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, hiện Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP Hồ Chí Minh chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào thực tiễn đời sống. Đây là tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội thành phố nhanh, bền vững.

Trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2020.
Trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Năm 2020, thành phố triển khai thực hiện mới 184 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tổng kinh phí hơn 287 tỷ đồng. Cùng với đó, nghiệm thu 98 nhiệm vụ và đều được ứng dụng vào thực tế (65 nhiệm vụ được ứng dụng trực tiếp, 33 nhiệm vụ ứng dụng gián tiếp). Thông qua các nhiệm vụ được nghiệm thu đã đăng được 180 bài báo (119 bài báo quốc tế), đăng ký được ba bằng độc quyền sáng chế. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, "Mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương" đã xác định các yếu tố tiên lượng tử vong sớm (trong vòng 24 giờ) và tử vong trong bệnh viện (30 ngày) ở người bệnh chấn thương. Sản phẩm của nhiệm vụ giúp cung cấp thêm dữ liệu cho cấp quản lý về tình hình chấn thương, tìm các giải pháp phòng ngừa và giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương. Ở lĩnh vực môi trường, kết quả nghiên cứu về "Bản đồ lan truyền ô nhiễm đối với nguồn nước" đã ứng dụng các phần mềm hiện đại, giúp nhà quản lý giảm tới mức thấp nhất chi phí giám sát môi trường hằng năm, giúp người dân sống phụ thuộc vào hệ thống sông, kênh, rạch nhận diện và giảm rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhiệm vụ "Thu thập và thuần dưỡng các loại cá tỳ bà bướm (Sewellia sp)" đã điều tra điều kiện tự nhiên về nơi phân bố, đặc điểm sinh học, sinh sản và tình hình khai thác các loài cá tỳ bà bướm tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao quy trình thuần dưỡng cho các hộ nuôi cá cảnh, góp phần bảo tồn chuyển vị nguồn cá ngoài tự nhiên đang bị suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu được Trại cá cảnh Tân Xuyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất.

Sở KH-CN thành phố cũng triển khai các chương trình nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), như tổ chức cuộc thi "Dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST) ứng dụng AI" nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án ĐMST ứng dụng AI trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Cuộc thi đã chọn 20 dự án vào chung kết để tham gia ươm tạo. Kết quả có ba dự án xuất sắc, một dự án đạt giải ấn tượng, năm dự án đạt giải khuyến khích. Ba dự án đạt giải xuất sắc là những ứng dụng/sản phẩm đầy tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp văn hóa... Dự án nhằm mục tiêu liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở, ngành, quận, huyện. Công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng cho người dân, doanh nghiệp (DN) theo quy định… Theo Giám đốc Sở KH-CN thành phố Nguyễn Việt Dũng, hoạt động KH-CN và ĐMST đã trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đóng góp của KH-CN trong tăng trưởng kinh tế của thành phố thông qua chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào GRDP luôn ở mức cao trong thời gian qua. Năm 2015, TFP là 35,8% thì đến năm 2020 tăng lên 42%. Những kết quả này từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm hỗ trợ DN nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất… tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững. Điều này thể hiện qua việc số DN có hoạt động ĐMST giai đoạn 2016 - 2019 chiếm tỷ lệ gần 41%.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động KH-CN ở thành phố hiện còn gặp một số khó khăn. Chính sách để thúc đẩy KH-CN phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Mối liên kết trong hoạt động KH-CN giữa trường, viện và DN có chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự chặt chẽ, bền vững. DN chưa quan tâm đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lực lượng cán bộ KH-CN còn thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong lĩnh vực trọng tâm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo… Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, ĐMST chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Thời gian tới, Sở KH-CN thành phố tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Cấu trúc lại các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST; thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST thành phố vào hoạt động; phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các đề án của thành phố hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: KH-CN có tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Kinh tế thành phố phát triển bền vững khi thực hiện tốt việc ứng dụng KH-CN và thúc đẩy ĐMST một cách đồng bộ, toàn diện. Do đó, Sở KH-CN cần cấu trúc lại các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST để nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng bền vững. Đồng thời, nhanh chóng triển khai việc thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST thành phố vào hoạt động. Đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi Viện sẽ góp phần đưa những sản phẩm nghiên cứu ra thực tế, gắn kết giữa các trường, viện với các DN, kết nối giữa những trung tâm ĐMST…