Khó tiếp cận vốn vay khi chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác

Thống kê về nhu cầu chuyển đổi phương tiện của 24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tổng nhu cầu phương tiện dự kiến mua sắm mới khoảng 1.899 phương tiện với tổng số tiền vay khoảng 366 tỷ đồng.

Nhiều xe rác dân lập vẫn chưa được tiếp cận vốn vay để chuyển đổi phương tiện cho hợp vệ sinh môi trường.
Nhiều xe rác dân lập vẫn chưa được tiếp cận vốn vay để chuyển đổi phương tiện cho hợp vệ sinh môi trường.

Tính đến tháng 9-2019, thành phố đã có 227 trong tổng số 1.899 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã được chuyển đổi (đạt tỷ lệ 12%). Việc chuẩn hóa phương tiện thu gom CTRSH, theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường đã duyệt cho vay 39 dự án đầu tư chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền hơn 17,2 tỷ đồng và chuẩn bị tiếp tục giải ngân khoảng 15 tỷ đồng. Các hợp tác xã đã được tiếp cận nguồn vốn vay gồm có: hợp tác xã dân lập Hiệp Phú, hợp tác xã Nhơn Phú, hợp tác xã vệ sinh môi trường Tín Nghĩa và một số công ty tư nhân hành nghề thu gom rác. Cũng theo báo cáo của UBND thành phố, hiện vẫn còn một số quận, huyện chậm tiến độ báo cáo danh sách lực lượng thu gom rác dân lập có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH. Ðiều này làm cho Quỹ Bảo vệ môi trường bị động trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn và chuẩn bị kế hoạch vốn, đáp ứng yêu cầu vay của lực lượng thu gom rác dân lập.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố nghiên cứu, đề xuất bổ sung phương án hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức thu gom rác dân lập (vốn cho vay, lãi suất vay vốn, thời gian vay, chính sách ưu đãi về thuế...) nhằm khuyến khích rác dân lập chuyển đổi lên mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Ðược biết, UBND thành phố đã có kế hoạch chuẩn hóa mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đã ban hành các quy định chung về kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH từ nguồn thải trên địa bàn. Thành phố yêu cầu đến ngày 31-10-2019, UBND các quận, huyện phải hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện này. Tuy nhiên, các đơn vị rác dân lập cho biết, hiện đang gặp khó khăn về kinh phí để mua sắm phương tiện. Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến nay, Sở đã vận động 616 tổ thu gom rác dân lập chuyển đổi bằng cách thành lập công ty tư nhân, gia nhập hợp tác xã, hoặc gia nhập vào công ty dịch vụ công ích quận, huyện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đường dây rác dân lập có tâm lý e ngại, chưa đồng thuận thực hiện. Về phía thành phố cũng chưa quyết liệt, chặt chẽ trong hoạt động quản lý, xử lý những trường hợp không thực hiện chuyển đổi, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Ở góc độ đơn vị thu gom rác dân lập, nhiều đại diện cho rằng Quỹ Bảo vệ môi trường của thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tiếp cận đối tượng cần vay, nhưng tiêu chí cho vay cũng chưa rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn vay và thủ tục hành chính còn phức tạp.

Việc chuyển đổi phương tiện là cần thiết, nhưng cần lộ trình để chuyển đổi và phù hợp từng địa bàn nội thành, ngoại thành. Phương tiện này cũng phải đáp ứng các yêu cầu như tiếp nhận được thùng rác 220 lít và có hệ thống nâng thùng rác. Ðặc biệt, thành phố cần phải tính toán lại mức phí thu từ chủ nguồn thải sao cho bù đắp được chi phí đầu tư và vận hành phương tiện thu gom rác sau chuyển đổi. Ðại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, trong bối cảnh phải đáp ứng quy định của thành phố về nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển rác, lực lượng thu gom rác dân lập cần thiết phải chuyển đổi phương tiện thu gom. Với những tổ chức, cá nhân thu gom rác dân lập gặp khó trong vốn đầu tư chuyển đổi, thành phố đã làm việc với các đơn vị liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay. Theo đó, tổ chức, cá nhân vay vốn theo mục đích chuyển đổi phương tiện thu gom rác có thể được vay bằng hình thức tín chấp, với mức lãi suất vay 8,4%/năm. Riêng vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường thì lãi suất vay thấp hơn, ở mức 4,27%/năm, thời hạn vay là bảy năm. Các đơn vị sản xuất xe cũng có chính sách hỗ trợ mua xe mới hoặc cải tạo xe thu gom cũ. Hiện có đến 60% trong tổng lượng CTRSH phát sinh hằng ngày (hơn 9.000 tấn) của thành phố, là do lực lượng rác dân lập thu gom. Mỗi năm thành phố phải chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng để tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý. Hiện, mức giá các hộ gia đình trên địa bàn phải chi trả khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/hộ, nhưng mức này chỉ trả cho khâu thu gom rác, phần còn lại là ngân sách thành phố chi trả.

Tháng 10-2018, UBND thành phố đã ban hành quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH. Theo đó, giá tối đa đối với dịch vụ thu gom rác bằng phương pháp thủ công là 364.000 đồng/tấn (tương đương 364 đồng/kg), nếu thu gom bằng phương tiện cơ giới thì giá tối đa là 166.000 đồng/tấn. Ðây là mức giá dịch vụ tính đúng, tính đủ các chi phí từ khâu thu gom, vận chuyển cho đến xử lý và sẽ do chủ nguồn thải trực tiếp chi trả. Mức giá được đưa ra khoảng 140.000 đồng đến 150.000 đồng/hộ/tháng, sẽ áp dụng từ năm 2020. Tuy nhiên, nhằm tránh việc tăng giá so mức cũ một cách đột ngột, đồng thời để có thời gian hoàn thiện việc sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập, thành phố sẽ giãn tiến độ áp dụng mức phí này đến năm 2022. Trước mắt, từ năm 2020, thành phố sẽ áp dụng mức phí khoảng 50.000 đồng/hộ.