Khi sách đi tìm người

Thư viện quận 6 trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu sách trong nhiều năm nay. Với mong muốn xây dựng văn hóa đọc cho người dân, những người phụ trách thư viện đã có cách làm sáng tạo nhằm đưa sách đến với đông đảo bạn đọc.

Bạn đọc tại Thư viện quận 6, TP Hồ Chí Minh.
Bạn đọc tại Thư viện quận 6, TP Hồ Chí Minh.

Cứ vào thứ tư và thứ sáu hằng tuần, những bạn trẻ trong chi đoàn của Trung tâm văn hóa quận 6 lại mang sách ra Công viên Phú Lâm để phục vụ người yêu sách nơi đây. Thời gian đầu, sự xuất hiện của tủ sách di động chỉ mới gây tò mò cho những người đi tập thể dục trong công viên. Sau khi tập xong, người dân bắt đầu đến với “người bạn mới” và lựa chọn những quyển sách mình yêu thích để vừa thư giãn vừa trang bị kiến thức cho mình. Từ những lần mang sách đến công viên, người dân đã biết đến Thư viện quận 6 nhiều hơn. Anh Trần Văn Hồng, tổ trưởng Thư viện, Trung tâm Văn hóa quận 6 cho biết: Khi đã quen với việc đọc sách tại công viên, nhiều độc giả đã tìm đến thư viện để tiếp tục đọc những quyển sách mình đang cần. Độc giả tìm đến tủ sách di động ở công viên rất đa dạng, từ người lớn tuổi đến các học sinh, sinh viên và cả những em nhỏ. Với nguồn sách phong phú, tủ sách di động của Thư viện quận 6 luôn đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân tại công viên.

Anh Trần Văn Hồng chia sẻ, được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Trung tâm Văn hóa quận, Thư viện quận 6 đã trở thành địa chỉ văn hóa lý tưởng để người dân đến đọc sách và thư giãn. Những kệ sách được bố trí khoa học, dễ tìm, những vị trí ngồi đọc thoáng mát, yên tĩnh được bố trí trên tầng 2 Trung tâm Văn hóa đã trở thành nơi chốn quen thuộc của nhiều bạn đọc. Hiện, Thư viện có hơn 28 nghìn bản sách các loại. Không chỉ có sách giấy, Thư viện quận 6 còn có 1.290 bản sách điện tử và 500 bản sách đã số hóa để phục vụ bạn đọc. Chị Nguyễn Ngọc Quế Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 6 cho biết: Với phương châm “sách đi tìm người”, Thư viện quận không thụ động chờ bạn đọc đến với mình, mà chủ động mang sách đến với bạn đọc. Chính vì thế, từ thành công của việc đem sách phục vụ tại Công viên Phú Lâm, những cán bộ, nhân viên Thư viện quận 6 tiếp tục đưa ra nhiều cách làm khác để “sách đến tay người” nhiều hơn. Đó là mô hình “Khơi nguồn văn hóa đọc”, thư viện đưa sách đến với các bạn nhỏ trong trường học. Để các em tìm đến sách, các anh chị trong thư viện hàng tuần phải soạn ra những bài viết hay từ các trang sách với các chủ đề như “Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Bác Hồ trong trái tim tuổi thơ, văn học dành cho tuổi thơ”… Những bài viết dạt dào cảm xúc sẽ được đọc lên trước hàng nghìn học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần. Khi những câu chuyện hay, đầy cảm xúc ấy thấm vào tâm hồn các bạn nhỏ, các em sẽ tìm đến gian hàng trưng bày sách của thư viện ngay trong khuôn viên nhà trường. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, các em học sinh đã biết cách mở cánh cửa khám phá thế giới chung quanh mình từ những quyển sách nhỏ xinh. Đến nay, mô hình này đã thực hiện ở 15 trường học trên địa bàn quận với hơn 30 nghìn lượt bạn đọc và hơn 50 nghìn lượt sách, vượt hơn 50% chỉ tiêu mà thành phố giao cả năm cho Thư viện quận 6.

Không dừng lại, Thư viện quận 6 tiếp tục hành trình “sách đi tìm người” khi đưa sách đến với các phường, khu phố văn hóa và vùng sâu, vùng xa. Được sự chấp thuận của UBND quận 6, Thư viện quận đã xây dựng tủ sách “3 trong 1” khi thống nhất ba tủ sách (tủ sách pháp luật do phòng Tư pháp quản lý, tủ sách chính trị do Đảng ủy quản lý, tủ sách văn hóa xã hội do Văn hóa thông tin phường quản lý) thành một tủ sách chung đặt tại khu vực tiếp dân ở phường và mở cửa phục vụ bạn đọc trong thời gian tiếp dân. Theo chị Nguyễn Ngọc Quế Phương, với cách làm mới này, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận sách, nhất là sách pháp luật, không còn cảm giác e ngại như trước. Từ đó, hiệu quả mang lại từ tủ sách ở các phường đạt hiệu quả cao hơn. Hiện, toàn bộ 14 phường của quận 6 thực hiện xong tủ sách “3 trong 1” và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, thư viện còn xây dựng các tủ sách ở các khu phố văn hóa, đồng thời tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người phụ trách tủ sách để sử dụng tủ sách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Cô Bùi Thị Hằng - tổ trưởng khu phố 4, phường 2, không giấu nổi niềm vui sướng khi nhắc đến tủ sách đặt tại trụ sở khu phố 4. Cô cho biết, từ khi có tủ sách, khu phố đón khách nhiều hơn. Mọi người đến đây đọc sách, đọc báo trong những giờ nghỉ giải lao, hay chờ người nhà giải quyết các công việc. “Chúng tôi còn sử dụng những quyển sách đưa vào nội dung hoạt động của Câu lạc bộ Ông - bà - cháu tại khu phố. Các cháu sẽ được ông bà nói về lợi ích của việc đọc sách và hướng dẫn các cháu cách đọc sách, chọn sách cũng như khơi gợi tình yêu dành cho sách” - cô Bùi Thị Hằng cho biết. Hiện, Thư viện quận 6 đã xây dựng tám phòng đọc sách tại bốn phường trên địa bàn, với gần 35 nghìn bản sách, trị giá hơn 345 triệu đồng. Bên cạnh đó, thư viện quận 6 còn thường xuyên tổ chức cuộc thi viết, làm vi-đê-ô cảm nhận về quyển sách tôi yêu. Số lượng bạn đọc tham gia “cứ năm sau lại đông hơn năm trước và chất lượng cũng nâng lên”. Thư viện quận 6 còn đưa sách đến với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại các trường chuyên biệt trên địa bàn quận. Chính việc làm này đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho các em kém may mắn tại đây.

Tình yêu dành cho sách, và trên hết đó là khát vọng mong muốn chia sẻ tình yêu ấy đến với mỗi người của cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thư viện quận 6 dường như là vô tận. Khi nói về sách, nói về câu chuyện xây dựng văn hóa đọc cho người dân, nhất là cho các bạn trẻ, anh Trần Văn Hồng cứ say sưa, không dứt. Anh bật mí về ý tưởng mới của mình, một mô hình tủ sách công cộng, mà khi đến đó, mỗi người đọc sẽ gửi lại một quyển sách của mình để nhận một quyển sách mới. Một mô hình hay mà anh đã học được trong những lần đi công tác tại nước ngoài. Sẽ còn nhiều thử thách để mô hình ấy trở thành hiện thực trên địa bàn quận 6, nhưng với niềm đam mê, với cái tâm vì cộng đồng, những con người bình dị như chị Phương, anh Hồng sẽ chinh phục được những mục tiêu của chính mình.