Khẩn trương thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH trên địa bàn thành phố, nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động của BĐKH.

Ngập nước do mưa tại phường Thảo Điền, quận 2.
Ngập nước do mưa tại phường Thảo Điền, quận 2.

Trong những năm qua, dù thành phố đã triển khai nhiều công trình chống ngập, xóa nhiều “điểm đen ngập”, nhưng tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý triệt để. Ngoài nguyên nhân chủ quan, còn có những yếu tố khách quan do tác động mạnh mẽ của BĐKH trên địa bàn thành phố. Thống kê về thay đổi lượng mưa từ năm 1978 trở lại đây tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, giai đoạn 1993 - 2011, lượng mưa ở khu vực ven đô thị về phía tây và tây nam gia tăng hơn 100 mm so với thời kỳ trước. Ngoài ra, hiện tượng mưa cực đoan ở thành phố cũng có sự thay đổi theo thời gian, số lượng các cơn mưa lớn vượt ngưỡng có xu hướng gia tăng nhanh chóng; cùng với đó là tình trạng nước biển dâng. Theo số liệu phân tích kết quả quan trắc từ năm 1964 đến năm 2011, mực nước ven biển Việt Nam đang có xu hướng dâng lên. Cụ thể, tốc độ dâng trung bình tại Vũng Tàu 1,33 mm/năm. Mực nước biển dâng thêm và lượng mưa tăng do BĐKH trong những năm gần đây làm cho tình trạng ngập lụt tại thành phố ngày càng trầm trọng. Đó là chưa kể tác động của triều cường ngày càng phức tạp. Cụ thể, tại trạm Phú An đã xuất hiện khá nhiều đợt triều cường lớn và cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1960. Trong năm 2017, thành phố đã xuất hiện chín đợt triều cường lớn. Đỉnh triều tại trạm Phú An đạt và vượt mức báo động cấp 3. Riêng đợt triều đầu tháng 12-2017, đỉnh triều đạt 1,71 m. Đây là đỉnh triều cao nhất chuỗi số liệu từ năm 1960. Tiếp đó, trong năm 2018, thành phố đã xuất hiện bảy đợt triều cường lớn, đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3. Riêng đợt triều đầu tháng 2-2018, đỉnh triều đạt 1,71 m. 

Từ các số liệu thống kê về thay đổi khí hậu trong thời gian qua và thống kê các thiệt hại cũng như ảnh hưởng của BĐKH đến TP Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy khả năng dễ bị tổn thương của thành phố trước những biến đổi cực đoan của khí hậu. Vấn đề ngập lụt hiện nay rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đô thị, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Từ đó gây ra những ảnh hưởng gián tiếp khác về giao thông vận tải, học tập và việc làm... Cùng với đó, tác động của triều cường gây vỡ đê thường xuyên là mối quan tâm của người dân thành phố, nhất là tại quận 8 và quận 12. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố: Với kịch bản BĐKH trung bình (RCP 4.5), nhiệt độ của thành phố sẽ tăng thêm 1,90C vào năm 2100 so với giá trị trung bình của thời kỳ cơ sở (1986 - 2005). Theo kịch bản BĐKH trung bình (RCP 4.5), lượng mưa của thành phố sẽ tăng 22,7% vào năm 2100 so với giá trị trung bình của thời kỳ cơ sở (1986 - 2005). Ngoài ra, nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 17,8% diện tích thành phố có nguy cơ bị ngập. Trong đó, quận Bình Thạnh có 80,78% diện tích, quận Bình Chánh có 36,43% sẽ bị ngập… 

Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH có tính lâu dài, thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan ứng phó với BĐKH. Mới đây nhất, ngày 20-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH trên địa bàn thành phố. Kế hoạch này đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo hai giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, giai đoạn từ 2021 đến 2030 với 39 chương trình. Trong đó, thành phố đề ra nhóm nhiệm vụ: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Đơn cử như dự án: Tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh đi vào vận hành năm 2021 sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm phát thải khí nhà kính là 52.002 tấn C02/năm.

Để thực hiện kế hoạch này, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng chuẩn bị nguồn lực tài chính, huy động sự đóng góp của cộng đồng quốc tế và trong nước. Thành phố cũng ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thỏa thuận này trên địa bàn. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia giao lưu thương mại và xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới trong chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức công tác tuyên truyền về Thỏa thuận Pa-ri và thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chú trọng huy động sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, dự án, dự toán kinh phí thực hiện để làm cơ sở xác định và bố trí ngân sách, chú trọng kêu gọi hỗ trợ từ khối tư nhân và các tổ chức quốc tế. Định kỳ, phải báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo lên UBND thành phố kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện quyết định này.

Hiệp định Pa-ri là một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của hơn 170 quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 20C, trên mức tiền công nghiệp vào năm 2100. Mức tăng lý tưởng nhất của Hiệp định này là giữ ở mức 1,50C. Hiệp định này còn được gọi là Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, vì thế được gọi tắt là COP21. Hội nghị kéo dài hai tuần đã cho ra kết quả là Hiệp định Pa-ri được ký vào tháng 12-2015. Hiệp định này là sự thay thế cho Nghị định thư Ky-ô-tô năm 2005.