Khẩn trương ngăn chặn dịch bệnh lây lan do vi-rút

Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra trên địa bàn, ngày 5-3, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giao ban với các quận, huyện nhằm triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ, kể cả trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi.

Một bệnh nhi điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1.
Một bệnh nhi điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1.

Bệnh thủy đậu lây lan trong trường học

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, số ca bệnh thủy đậu tại TP vẫn tiếp tục tăng cao. Chỉ trong hai tháng đầu năm, TP ghi nhận 131 trường hợp mắc thủy đậu, tăng gần 157% so với cùng kỳ năm 2013. Ðáng lo ngại là cuối tháng 2 vừa qua đã xuất hiện nhiều ca mắc bệnh thủy đậu tại Trường THCS Lê Quý Ðôn, quận 3. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng cho biết, bệnh khởi phát vào ngày 8-2 từ một học sinh, 14 ngày sau, ca bệnh thứ hai tại trường xuất hiện và tiếp tục lây lan nhanh. Chỉ trong vòng bốn ngày (từ ngày 22 đến 26-2) đã có tám học sinh khác bị sốt, phát ban toàn thân.

Khi xuất hiện chùm ca bệnh này, ngành y tế đã khoanh vùng dịch, điều trị ngoại trú và cách ly số học sinh nhiễm bệnh; triển khai khử khuẩn, giám sát chặt chẽ nơi học và chỗ ở; phối hợp nhà trường và địa phương tiến hành vệ sinh khử khuẩn lớp học hằng ngày và tổng vệ sinh toàn trường cuối tuần. Sau bảy ngày phát hiện ổ dịch đã được khống chế và đến nay vẫn chưa có thêm ca bệnh mới nào tại trường học này.

Ðiều khiến nhiều người dân lo lắng là bệnh thủy đậu tiếp tục tăng cao nhưng không còn vắc-xin do các công ty đã ngừng cung cấp. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng cho biết, việc thiếu vắc-xin thủy đậu đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Trước mắt, để phòng, chống hiệu quả bệnh thủy đậu, người dân cần giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân và môi trường chung quanh. Những người có nguy cơ lây bệnh cao như trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng... cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Khi có biểu hiện mắc bệnh như chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn... phải được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.

Không chỉ bệnh thủy đậu tăng do thiếu vắc-xin mà trong nhiều tháng qua, bệnh quai bị cũng tăng theo. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 39 ca mắc, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh nhiễm não mô cầu cũng đã có sáu ca mắc (tăng 200% so với cùng kỳ năm trước)...

Trẻ lớn cũng phải tiêm ngừa bệnh sởi

Trung tâm Y tế dự phòng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, TP có hơn 130 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2013. Một trong những địa phương có số ca sởi tăng cao là quận Bình Tân. Chỉ riêng trong tháng một vừa qua, quận này đã có 10 ca mắc, đến tháng 2 là 22 ca. Một trong những nguyên nhân là trẻ không được tiêm phòng đầy đủ.

Trước nguy cơ dịch bệnh, ngành y tế TP đã triển khai tiêm bù vắc-xin sởi với 95% đối tượng cần tiêm bù. Trong đợt tiêm bù này, ngoài đối tượng trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi đã được tiêm trước đây, sẽ tiêm bù cho cả trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi. Dự kiến, thành phố cần khoảng 80.000 đến 100.000 liều vắc-xin sởi để tiến hành tiêm bù cho trẻ từ 9 tháng đến 36 tháng tuổi và đã bảo đảm đủ vắc-xin. Trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc-xin phòng sởi cần đến các trạm y tế xã, phường để được tiêm phòng.

Khó khăn của ngành y tế lúc này là không xác định được số trẻ cần được tiêm bù. Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP Nguyễn Trường Giang, khẳng định, những trẻ đã được tiêm rồi nhưng tiêm lại sau hơn một tháng so với thời điểm của mũi trước sẽ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, những trẻ đã tiêm rồi nhưng không nhớ có thể tiêm lại từ đầu.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng, nhận định: Hiện nay, dịch bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm, vì vậy ngành Y tế có thể tổ chức tiêm lưu động tại các trường học nhưng phải bảo đảm an toàn cho trẻ. Tại các trường học, trước khi tiến hành tiêm đồng loạt phải có khảo sát đánh giá và báo cáo cho TP xem xét...

Ra sức ngăn chặn cúm gia cầm

Trước thực trạng 22 tỉnh, thành phố đã có dịch cúm gia cầm, trong đó có hai ca mắc cúm A/H5N1 đã chết, ngành Y tế cũng phải tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn giáp ranh, các luồng tuyến vận chuyển gia cầm vào thành phố; doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chế biến gia cầm bảo đảm chất lượng (đã qua kiểm dịch) cung cấp cho người tiêu dùng; tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng không sử dụng gia cầm chưa qua kiểm dịch. Các đội chống dịch các quận, huyện cần phải có hai đến ba người cho mỗi lĩnh vực dịch tễ, xét nghiệm và môi trường. Cần huấn luyện lại nhân sự cho đội chống dịch để đáp ứng ngay khi có yêu cầu. Phương tiện, vật tư phải dự trữ sẵn. Phải có túi chống dịch và dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, trang phục bảo vệ, khẩu trang, máy phun, bình phun tay và dung dịch khử khuẩn Cloramin B...