Khám phá thế giới bằng ngòi bút

Cùng với các chương trình khuyến khích học sinh đọc sách, một số đơn vị còn có những hoạt động khuyến khích niềm đam mê sáng tác, rèn luyện kỹ năng viết cho các em. Dù chỉ là những buổi trò chuyện, trao đổi, nhưng những hoạt động này đã trở thành sân chơi bổ ích để các em biết cách khám phá những điều tươi đẹp bằng ngòi bút của mình.

Các bạn nhỏ đặt câu hỏi với các nhà văn trong buổi trò chuyện “Bút kể ta nghe”.
Các bạn nhỏ đặt câu hỏi với các nhà văn trong buổi trò chuyện “Bút kể ta nghe”.

“Bút kể ta nghe” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại “Ðóa hoa đồng thoại” được tập đoàn ENEOS (Nhật Bản) đề xướng, Công ty TNHH More Production Việt Nam tổ chức cùng sự đồng hành của Nhà xuất bản (NXB) Kim Ðồng. Chương trình vừa được diễn ra tại Trường trung học thực hành Sài Gòn (quận 5, TP Hồ Chí Minh) với sự tham gia của gần 100 em học sinh THCS. Ðây là những bạn nhỏ yêu thích văn học, thích sáng tác và cũng đang muốn thử sức với cuộc thi “Ðóa hoa đồng thoại”. Em Trần Ngọc Mai Thy, học sinh lớp 7A6 cho biết, em tham dự chương trình “Bút kể ta nghe” vì muốn được các cô, chú rèn luyện kỹ năng sáng tác cũng như chỉ ra các bí kíp để em sáng tác tốt hơn.

Suốt hai giờ, hội trường của Trường trung học thực hành Sài Gòn trở nên sôi động với hàng loạt những câu hỏi được đưa ra từ các bạn nhỏ. Diễn giả hôm ấy, nhà văn trẻ Ploy Ngọc Bích, đã phải khá vất vả trả lời các câu hỏi của các em về công việc sáng tác. Có em thắc mắc, mỗi khi bắt đầu viết hay bị thiếu ý tưởng, không biết triển khai tiếp thế nào. Có bạn thì nhận ra mình rất hạn chế về câu từ cho nên không biết cách diễn đạt sao cho câu chuyện hấp dẫn… Rất nhiều câu hỏi được nêu ra thể hiện sự quan tâm công việc sáng tác của các em.

Ðến chia sẻ với các bạn học sinh hôm ấy còn có nhà văn Ðinh Thị Thu Hằng, một trong những tác giả từng đoạt giải cao cuộc thi “Ðóa hoa đồng thoại” năm 2019. Trò chuyện với các em về kinh nghiệm sáng tác của mình, nhà văn Thu Hằng cho biết, chị sáng tác không nhiều, nhưng để có một truyện ngắn tròn trịa ra đời đòi hỏi người viết phải ấp ủ, nuôi dưỡng khá lâu. “Từ ý tưởng, chi tiết phải được chắt lọc cho đến khi chín muồi, khi đó  trong  tư duy của các em có gì đó thôi thúc, buộc các em phải viết ra ngay. Lúc ấy các em sẽ có được một tác phẩm của riêng mình”, nhà văn Ðinh Thị Thu Hằng chia sẻ. Nhà văn cũng khuyên các bạn học sinh đừng bỏ qua những hình ảnh, câu chuyện tưởng chừng như vụn vặt vì nhiều khi những điều nhỏ ấy sẽ là chi tiết đắt giá để hình thành nên một truyện ngắn hấp dẫn.

Phần hấp dẫn nhất trong buổi trò chuyện “Bút kể ta nghe” chính là nội dung thi sáng tác. Bằng trí tưởng tượng của mình, các bạn đã kể ra nhiều câu chuyện phong phú, đầy màu sắc chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Chỉ với ngòi bút và trang giấy, có bạn mang đến cho ban tổ chức một khu rừng già đầy sinh động, huyền bí; có bạn kể về câu chuyện gia đình ấm áp khi đứa con đã biết tự chăm sóc bản thân để ba mẹ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu. Có bạn bằng giọng điệu dí dỏm, mang đến một câu chuyện đồng thoại vui tươi, một thế giới đầy màu sắc. Qua ngòi bút của mình, các em đã thể hiện một tâm hồn phong phú, một tình yêu dành cho thiên nhiên và quan trọng nhất đó là tình yêu sáng tác dù chỉ là những bước khởi đầu.

Nhà báo Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tòa soạn vẫn thường xuyên nhận được các truyện ngắn của các em học sinh trên địa bàn thành phố. Có những em rất có năng khiếu sáng tác và thường xuyên có tác phẩm đăng trên các ấn phẩm Khăn quàng đỏ. Nếu có nhiều buổi trao đổi, sinh hoạt như “Bút kể ta nghe” thì sẽ có nhiều bạn nhỏ đam mê sáng tác hơn nữa…

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Ðóa hoa đồng thoại” cho biết, đây là dự án sáng tác truyện cho trẻ em được tổ chức tại Nhật Bản từ năm 1970. Tại Việt Nam, đây là lần thứ tư giải thưởng được tổ chức với sự đồng hành của NXB Kim Ðồng và tạo ra sức hút lớn, được đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Cuộc thi được tổ chức dành cho ba hạng mục các lứa tuổi gồm: Học sinh tiểu học, THCS và thí sinh tự do.

Giải thưởng được tổ chức với mong muốn sẽ là nơi để các tác giả ở mọi lứa tuổi trao tình cảm cho trẻ em Việt Nam thông qua các sáng tác giàu trí tưởng tượng và nhân văn. Thông qua các buổi trò chuyện "Bút kể ta nghe" được tổ chức thường niên trong khuôn khổ giải thưởng với  diễn giả là các nhà văn, tác giả truyền cảm hứng về sáng tác truyện, sẽ là cơ hội để người tham gia lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm viết từ diễn giả, đồng thời hiểu được mong muốn của bản thân khi đến với việc sáng tác truyện đồng thoại. Ban tổ chức cũng hy vọng, sau buổi trò chuyện này, nhiều em sẽ mạnh dạn gửi tác  phẩm tham gia cuộc thi “Ðóa hoa đồng thoại”, qua đó góp thêm nhiều câu chuyện đầy màu sắc, có giá trị về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.