Kết nối ý tưởng giúp nông dân làm giàu

Phong trào xây dựng nông thôn mới đang triển khai mạnh mẽ trên địa bàn thành phố và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với vai trò vừa là người xây dựng, vừa là đối tượng thụ hưởng, nông dân, hội nông dân tại các địa phương đã có nhiều sáng kiến, mô hình hay kết nối để cùng giúp nhau làm giàu.

Anh Phan Tiến Ðạt, nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh có thu nhập ổn định từ nghề trồng cây cảnh.
Anh Phan Tiến Ðạt, nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh có thu nhập ổn định từ nghề trồng cây cảnh.

Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học để hướng đến mục tiêu là địa phương sản xuất giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá cảnh, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên một héc-ta đất sản xuất nông nghiệp hiện nay đạt 450 triệu đồng/năm, tăng 1,6 lần so năm 2013 (282,5 triệu đồng/ha/năm); thu nhập bình quân của người nông dân khu vực nông thôn hiện nay đạt hơn 49 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8% so năm 2015 (39,72 triệu đồng/người/năm). Ðáng mừng, với tỷ lệ tăng bình quân 5,5%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố đề ra là 5%/năm), tiến tới xây dựng nông nghiệp thành phố hiện đại, bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh Nguyễn Thanh Bạch cho biết: Hội Nông dân huyện luôn gắn với phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện chương trình phát triển giống cây, con chất lượng cao và thực hiện bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân từ 400 đến 500 triệu đồng/ha mỗi năm. Ngoài ra, Hội còn phối hợp các đoàn thể vận động 4.359 hộ nông dân hiến 698.177 m2 đất. Trong phong trào thi đua và thực hiện công tác an sinh xã hội, nhiều chi hội đã thực hiện rất hiệu quả. Ông Thanh dẫn chứng: Tại Chi hội nông dân ấp 2 xã Tân Kiên, khi thấy có sự thay đổi theo hướng giảm diện tích lúa năng suất thấp chuyển sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, chi hội cùng Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, tư vấn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Ðã có 53 hộ hội viên chuyển đổi 16,3 ha từ đất trồng lúa sang nuôi, trồng các cây, con khác có giá trị kinh tế cao hơn như trồng lan, mai, nuôi cá thịt... Ðể phong trào ngày càng có sức lan tỏa, ngoài việc tuyên truyền vận động, tổ chức hội thảo, tập huấn, chi hội còn đề xuất Hội Nông dân xã tổ chức cho 116 lượt hội viên tham quan, học tập các mô hình kinh tế như mô hình trồng lan khu công nghiệp kỹ thuật cao tại huyện Củ Chi và huyện Ðức Trọng (tỉnh Lâm Ðồng), trồng bưởi da xanh tại Bến Tre.

Còn tại quận 9, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương triển khai các chính sách để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả nhất trên mảnh vườn của mình. Ðại diện Hội Nông dân quận 9 cho biết, quận đang trong tiến trình đô thị hóa nhanh với hơn 300 dự án đã và đang triển khai, cho nên đất nông nghiệp cũng như số hộ nông nghiệp và lao động nông nghiệp tiếp tục giảm. Do đó, Hội Nông dân quận xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững, tập trung cho sản xuất chủ yếu là hoa, cây kiểng, cá cảnh, cây ăn trái … nhằm tăng giá trị sản xuất cũng như tăng thu nhập cho người nông dân. Ðể giúp nông dân thực hiện các thay đổi này, Hội Nông dân và Phòng Kinh tế quận thực hiện giải ngân cho 40 phương án sản xuất để 40 hộ dân vay vốn, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển dịch nông nghiệp đô thị; phối hợp Phòng Kinh tế quận, Trạm Khuyến nông liên quận tổ chức trình diễn 110 điểm và hỗ trợ giống dừa dứa, dừa xiêm lùn, lan Denbrobium, Mokara, Vanda, nấm bào ngư, nấm linh chi, lươn…; tổ chức 60 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây ăn trái, cây kiểng, rau sạch, phòng bệnh trong chăn nuôi và thủy sản, có 2.500 lượt nông dân tham dự;...

Một số bất cập gây không ít khó khăn cho sự phát triển của nông nghiệp thành phố, đó là đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư; nông dân còn sản xuất cá thể, nhỏ lẻ; điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế; việc sản xuất, chăn nuôi chưa được định hướng theo nhu cầu của thị trường cho nên làm phát sinh sản phẩm dư thừa... Trong khi đó, số hộ sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm do chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác, tính rủi ro trong sản xuất nông nghiệp còn cao do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định,…

Để nỗ lực đưa nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn hơn trong nền kinh tế đô thị, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới như: Phấn đấu 100% hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết của Hội và các kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đến năm 2023, vận động 70% hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh tham gia vào mô hình hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ; mỗi cơ sở Hội thành lập mới ít nhất một hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ liên quan nông nghiệp, nông thôn; mỗi huyện có ít nhất một hợp tác xã điển hình tiên tiến;… Ngoài ra, Hội còn xây dựng các chương trình trọng điểm về nông nghiệp như: Tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tạo ra sản phẩm sạch, an toàn; chương trình đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài nước. Ðể hiện thực hóa những con số cụ thể và chương trình đó, đòi hỏi Hội Nông dân phải là đầu mối để đẩy mạnh và triển khai các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, thực hiện phong trào cả nước xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, trong đó, khơi dạy tinh thần vươn lên của nông dân để nỗ lực sản xuất trên mảnh ruộng của gia đình; triển khai các phong trào về: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề.