Ì ạch cải tạo, chỉnh trang hai con rạch

Sau gần 20 năm khởi động triển khai nhưng đến nay, cả hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) vẫn chưa có tín hiệu hoàn thành. Hàng chục nghìn hộ dân sống chung quanh hai con rạch này vẫn ngày ngày phải chịu đựng mùi hôi thối do môi trường bị ô nhiễm.

Một đoạn rạch Xuyên Tâm trên địa bàn quận Bình Thạnh bị ô nhiễm nặng.
Một đoạn rạch Xuyên Tâm trên địa bàn quận Bình Thạnh bị ô nhiễm nặng.

Ô nhiễm nặng

Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2 km, xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Hàng chục năm qua, con rạch được xem là nơi ô nhiễm nặng nề nhất của TP Hồ Chí Minh. Năm 2002, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án cải tạo với tổng vốn khoảng 123 tỷ đồng nhưng không triển khai thực hiện được. Đến năm 2017, để cải tạo con rạch này thì số vốn mà TP Hồ Chí Minh dự kiến đã tăng lên 8.600 tỷ đồng.

Ghi nhận thực tế, dọc bờ rạch Xuyên Tâm có đủ các loại rác thải trôi nổi khắp bề mặt rạch, nằm dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch, bốc mùi hôi nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết, nguồn nước sinh hoạt ở dọc hai bên rạch đã bị ô nhiễm nặng nề; triều lên hay rút thì con rạch lúc nào cũng bồng bềnh rác trôi nổi quanh năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, một người dân ở ven rạch Xuyên Tâm cho biết, người dân đã nhiều lần có ý kiến với khu phố, với phường nhưng vẫn không thấy cải thiện. Cống rãnh nơi đây cứ thường xuyên bị tắc do rác thải trôi từ khắp nơi đổ về, khiến nước tràn cả vào nhà, vừa bẩn và hôi không chịu nổi.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có khoảng 2.135 hộ gia đình và cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó giải tỏa toàn phần khoảng 915 hộ. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về nhà, đất của dự án khoảng hơn 3.751 tỷ đồng. Chỉ tính riêng phường 15, quận Bình Thạnh đã có đến 619 hộ dân sinh sống ở khu vực rạch Xuyên Tâm, trong đó có 194 hộ dân sống trên rạch và 425 hộ dân sống ven rạch. Thời gian qua, UBND phường 15 đã thực hiện nhiều đề án nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen vứt rác xuống rạch, không xây dựng lấn chiếm rạch gây cản trở dòng chảy, tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Tương tự, rạch Văn Thánh có chiều dài khoảng 2,9 km, đi qua địa bàn các phường 19, 21 và 22 thuộc quận Bình Thạnh. Dọc tuyến rạch Văn Thánh có 834 hộ dân bị ảnh hưởng, cần phải giải tỏa. Trong đó có đến 694 hộ phải giải tỏa hoàn toàn. Con rạch này từ lâu đã bị ô nhiễm, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lập dự án để cải tạo, chỉnh trang. Theo dự tính, để triển khai dự án, chi phí để nạo vét và thi công đường giao thông ven rạch ở mức 430 tỷ đồng; tổng chi phí để giải phóng mặt bằng dự kiến ở mức 1.300 tỷ đồng. Dự án được triển khai đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.

Thiếu vốn

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, dự án rạch Xuyên Tâm kéo dài là do gặp khó khăn về kêu gọi đầu tư bởi tổng mức chi phí quá lớn. Đến nay, dự án chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu đầu tư đã được các sở, ngành thống nhất, vấn đề còn lại là tài chính.

Theo tính toán, chỉ riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay của dự án đã khoảng 3.751 tỷ đồng và quận Bình Thạnh đã đề xuất thành phố giao cho quận làm chủ đầu tư dự án bồi thường. Nghĩa là tách dự án bồi thường ra và khi bồi thường giải tỏa xong sẽ kêu gọi đầu tư sau vì nếu để chung cả bồi thường và xây lắp thì tổng mức đầu tư của dự án quá lớn.

Còn đối với rạch Văn Thánh, tổng mức đầu tư lớn nhưng lại rất khó kêu gọi đầu tư. Trước đây có một nhà đầu tư đề nghị được đầu tư theo theo hình thức đổi đất. Khu đất nhà đầu tư muốn hoán đổi có diện tích khoảng 1,8 ha, nằm gần nhà ga số 1 của tuyến metro số 1 thuộc dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên (nằm ở phường 22, quận Bình Thạnh). Theo nhà đầu tư, nếu khu đất có giá trị lớn hơn tổng mức đầu tư dự án thì đơn vị này sẽ hoàn trả cho thành phố số tiền chênh lệch. Trường hợp khu đất có giá trị thấp hơn, thành phố phải giao thêm cho nhà đầu tư một số khu đất khác hoặc thanh toán số tiền chênh lệch. Tuy nhiên, đề xuất này hiện nay chưa được thành phố chấp thuận.

UBND quận Bình Thạnh đã kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành các chính sách để mời gọi nhà đầu tư tham gia các dự án di dời ven và trên kênh rạch; xem xét ghi vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương tạm ngừng triển khai các dự án BT trong thời gian chờ ban hành nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán BT. Do đó, thành phố sẽ xem xét tách phần bồi thường hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách để triển khai trước. Việc thực hiện này nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất cho các hộ dân sống ven kênh rạch, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chỉnh trang đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10. Đồng thời, tăng tính khả thi trong việc tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, tăng tính hấp dẫn khi kêu gọi đầu tư.