Hướng đến giao thông xanh, thân thiện

Nhằm thiết lập một hệ thống giao thông công cộng bền vững và góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang hướng đến mô hình giao thông xanh, an toàn và tiện ích.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (quận 5) trải nghiệm đi xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường.
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (quận 5) trải nghiệm đi xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện hệ thống giao thông công cộng của thành phố có gần 2.500 xe buýt vận hành trên 137 tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của 9,5% người dân. Tuy nhiên hầu hết số phương tiện xe buýt đều có niên hạn sử dụng hơn 10 năm, không bảo đảm về điều kiện khí thải, là nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm môi trường.

Trong nhiều năm qua, mặc dù ngành giao thông vận tải đã nỗ lực đầu tư, thay thế và chuyển đổi xe buýt chạy bằng xăng, dầu đi-ê-den qua sử dụng nhiên liệu sạch CNG nhưng trên thực tế việc chuyển đổi vẫn còn chậm (xe buýt CNG chiếm chỉ hơn 20% tổng số phương tiện) vì kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ðể thực hiện mục tiêu giao thông xanh, thân thiện với môi trường, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng của thành phố cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, thành phố đầu tư thêm 109 xe CNG cho chín tuyến xe buýt mới, đồng thời chuyển đổi, bổ sung xe cho các tuyến hiện hữu là 816 xe (trong đó có hơn 600 xe sử dụng khí CNG).

Ngoài ra, trung tâm đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc đầu tư mới phương tiện xe buýt, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch (như điện, các loại khí thiên nhiên như LPG, CNG, LNG...) để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị và điều kiện giao thông thành phố. Ðồng thời, thành phố sẽ vận động, kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe ta-xi, đơn vị kinh doanh vận tải tích cực chuyển đổi phương tiện mới, ưu tiên chuyển đổi các phương tiện đã sử dụng hơn 10 năm sang loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch để bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải, thực hiện bảo vệ môi trường.

Mới đây, làm việc với Sở Giao thông vận tải, Tập đoàn DATAM (Hàn Quốc) cũng cho biết, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất xe buýt điện với giá chỉ bằng 20% so với xe buýt hiện nay cho TP Hồ Chí Minh để đầu tư vào dự án xe buýt điện công cộng thông minh. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 525 triệu USD từ nguồn Quỹ khí hậu Xanh. Trong đó, dự kiến đầu tư 300 triệu USD để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225 triệu USD để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời thông minh tích hợp ca-mê-ra AI…

Ðại diện Sở Giao thông vận tải cho biết: Ùn tắc giao thông kéo dài cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thành phố. Vì vậy, sắp tới thành phố chọn giải pháp đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện thân thiện với môi trường, bên cạnh các giải pháp đầu tư vào hệ thống tàu điện mê-tro, tàu thủy… Ðây là những giải pháp mang lại hiệu quả vượt trội, cơ bản giảm được khí thải từ phương tiện công cộng, giúp thành phố thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Song, tồn tại đang cần được thành phố nhìn nhận để tháo gỡ là tốc độ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông của thành phố cho nên đây chính là bài toán cần được ưu tiên giải quyết một cách căn cơ.

Cùng với việc quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, việc ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng tính kết nối và chia sẻ dữ liệu cũng được ngành giao thông vận tải thành phố đẩy mạnh. Cuối năm 2019, Sở Giao thông vận tải thành phố và Công ty TNHH Grab Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác về xây dựng hệ thống giao thông thông minh, đồng thời triển khai các hình thức hỗ trợ giao thông công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cho phía Grab cùng tham gia triển khai phương tiện vận chuyển công cộng mới thân thiện với môi trường như triển khai thí điểm hình thức vận chuyển bằng xe máy điện ở một số khu vực trung tâm và xem xét hướng đến triển khai mở rộng vào quý I năm 2020; Grab cũng sẽ hợp tác để khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện, phát triển mi-ni buýt; nghiên cứu khả năng triển khai mô hình xe điện cho thuê tự lái…

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh cho nên việc chia sẻ dữ liệu, xây dựng công nghệ số để ứng dụng trong công tác quản lý vận tải hành khách công cộng và quản lý giao thông đô thị là rất cần thiết. Các dữ liệu về phương tiện, hành vi thói quen tham gia giao thông của người dân... là những cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác điều hành giao thông của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thể trở thành đô thị thông minh nếu như không có hệ thống các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Do đó, Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư các loại hình phương tiện công cộng "không khói", kết hợp chia sẻ dữ liệu trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tiến tới thay đổi bộ mặt giao thông đô thị của thành phố.