Hướng đến đô thị nông nghiệp công nghệ cao (Tiếp theo và hết ) (*)

Bài 2: Nông thôn mới là điểm khởi đầu

Tuy đạt được những kết quả quan trọng về xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố xác định mục tiêu đi từ NTM lên đô thị nông nghiệp cao, bền vững, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh tốt.

Ðại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Triển lãm 10 năm xây dựng nông thôn mới ở TP Hồ Chí Minh.
Ðại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Triển lãm 10 năm xây dựng nông thôn mới ở TP Hồ Chí Minh.

Những con số ấn tượng

"NTM như chiếc đũa thần đánh thức các địa phương", đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè khi đề cập đến kết quả thực hiện NTM trên địa bàn thành phố. Ðồng chí cũng cho biết thêm, ấn tượng nhất khi thực hiện chương trình xây dựng NTM là tất cả hộ dân trên địa bàn huyện đều có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng, hơn 1.000 tuyến đường, tuyến hẻm được trải nhựa, bê-tông hóa. Thành lập thêm 10 hợp tác xã (HTX), tổ hợp sản xuất; phát triển khoảng 3.500 doanh nghiệp, thu nhập người dân tăng lên…

Từ một hộ khó khăn vươn lên làm giàu nhờ NTM, ông Nguyễn Văn Ðổi, ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết: "Ðặc thù tại xã Thạnh An là quanh năm ngập nước, chỉ biết làm muối với năng suất rất thấp. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, vay vốn mua bạt để muối kết tinh trên bạt cho năng suất rất cao. Cũng nhờ nguồn vốn vay, gia đình tôi đầu tư thêm mô hình nuôi tôm công nghiệp với diện tích 12.000 m2, nuôi cua trên diện tích 7.000 m2. Tính ra mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng tiền muối, 350 triệu đồng tiền tôm và 50 triệu đồng tiền nuôi cua. Cuộc sống theo đó sung túc hơn rất nhiều". Khi đã vươn lên làm giàu, ông Ðổi đã hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và cho vay vốn không lãi cho 16 hộ gia đình hội viên nông dân nghèo, cận nghèo ở địa phương nuôi tôm, cua, sản xuất làm muối và đã thoát nghèo.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến năm 2019, thu nhập của người dân vùng nông thôn trên địa bàn thành phố đạt hơn 63 triệu đồng, tăng hơn 300% so với năm 2008 (15,72 triệu đồng). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm, cụ thể, năm 2008 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị, thì đến năm 2019 con số này là 72,57%. Ðến nay, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha của thành phố đạt hơn 500 triệu đồng, cao gấp năm lần mức trung bình cả nước. Tính đến tháng 11- 2019, số tiêu chí đạt bình quân của mỗi xã của thành phố là 18,73 trên tổng số 19 tiêu chí NTM. Số tiêu chí bình quân đạt của mỗi huyện là 7,6 trên tổng số 9 tiêu chí. Ðã có 47 trong tổng số 56 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 31 xã được công nhận xã NTM nâng cao. Ngoài ra, tổng vốn huy động nguồn lực xây dựng NTM tại thành phố giai đoạn 2010 - 2019 đạt 73.557 tỷ đồng; 100% hộ dân có điện sử dụng thường xuyên; sửa chữa, xây mới thay thế và xây mới 190 trường học, kinh phí đầu tư 3.826,5 tỷ đồng... Trong lĩnh vực phát triển hợp tác xã (HTX), tính đến tháng 9 - 2019, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM có 76 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 45 HTX so với năm 2010) với 1.370 thành viên, bình quân mỗi HTX có 18 thành viên. Tất cả các xã NTM đều xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao phù hợp đặc thù nông nghiệp đô thị của thành phố để tập trung phát triển.

Hướng đến đô thị nông nghiệp cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh: "Kết quả xây dựng NTM chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế của thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng của vùng nông thôn chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; liên kết sản xuất chưa bền vững...". Ngoài ra, thành phố chỉ có 1.370 hộ tham gia HTX, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của người dân nông thôn mới chỉ bằng một phần ba so với dân ở thành thị... Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Phước Trung là do năng lực một số cán bộ làm công tác xây dựng NTM còn hạn chế, chưa thật sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai; lao động nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi, quen với phương pháp sản xuất truyền thống; đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa.

Ðánh giá về kết quả thực hiện xây dựng NTM tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản phẩm của thành phố, nhưng trong thời gian qua, thành phố đã quan tâm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã mang lại những kết quả ấn tượng. Ðể tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2020 - 2025", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị thành phố thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Cùng với đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; tổ chức lại sản xuất, nhất là tổ chức nông dân và HTX kiểu mới phù hợp quá trình phát triển của thành phố.

Theo nhận định, với tốc độ đô thị hóa tại năm huyện ngoại thành của thành phố ngày càng nhanh, số hộ làm nông nghiệp trong thời gian tới sẽ giảm mạnh. Hiện, huyện Bình Chánh còn khoảng 1,2% số hộ làm nông nghiệp, huyện Nhà Bè còn 0,5% số hộ làm nông nghiệp. Dự báo đến năm 2025 toàn thành phố còn khoảng 38.000 lao động nông nghiệp. Trên cơ sở này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan, năm huyện ngoại thành khi thực hiện công tác quy hoạch cần hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao. Cho rằng, "xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cả nước sẽ còn thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian dài, riêng TP Hồ Chí Minh phải đi từ NTM lên đô thị nông nghiệp cao.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2020 - 2025 mà TP Hồ Chí Minh đề ra trong xây dựng NTM: Xây dựng hoàn chỉnh Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn. Qua đó, phấn đấu có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; cấp xã có 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng một năm; Thu nhập của mỗi cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng một năm (gấp 1,8 lần so với hiện nay). Tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp ít nhất đạt 20% trên tổng số hộ nông dân trên địa bàn thành phố…

------------------------------

(*) Xem Trang TP Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 3-12-2019.