Hợp tác để phát triển đô thị

Nhằm thực hiện thành công một trong bảy chương trình đột phá của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 là chỉnh trang và phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh đang mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư. Danh mục 193 dự án đã được giới thiệu.

Các tuyến đường đô thị tại quận 2 được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Ảnh: MINH TÚ
Các tuyến đường đô thị tại quận 2 được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Ảnh: MINH TÚ

Thông qua hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị" được Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, lãnh đạo thành phố đã giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư, các DN Nhật Bản nói riêng, cộng đồng DN nước ngoài nói chung trực tiếp đầu tư, hoặc hợp tác với DN trong nước tham gia vào các chương trình phát triển đô thị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa, hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để các DN tham gia đầu tư và phát triển đô thị tại thành phố “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là một trong bảy chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 thông qua. Năm 2018 là năm đầu thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á. Thành phố đưa ra 21 chương trình mục tiêu trọng điểm nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó có thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch; xây dựng lại các chung cư cũ, hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố gắn với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Ngoài ra, còn có khoảng 1.200 dự án phát triển BĐS của các DN đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết với các DN trong nước và nước ngoài, nhất là với các DN Nhật Bản.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên phân tích, chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố, trong đó di dời nhà trên và ven kênh, rạch với hơn 20.000 hộ dân, cải tạo, xây mới 474 chung cư xuống cấp. Đây là một chủ trương lớn cần đột phá về tư duy, mục tiêu để thu hút nhà đầu tư. Thành phố cũng có chủ trương xã hội hóa để tiết giảm ngân sách nhà nước. Hiện, Sở Xây dựng đã giới thiệu sáu dự án chỉnh trang kênh, rạch mà thành phố đang mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP như kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, cải tạo cảnh quan hồ Song Tân… Hầu hết các dự án này sau khi chỉnh trang sẽ tạo quỹ đất để trả cho nhà đầu tư; nhà đầu tư sẽ sử dụng các quỹ đất ven kênh, rạch sau khi cải tạo để đầu tư, kinh doanh…

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, năm 2017, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt tại thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh. Nhiều DN Nhật Bản tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Trong khoảng 5 năm gần đây, có một số quỹ đầu tư và DN Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các DN bất động sản Việt Nam dưới hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển dự án BĐS theo tiêu chuẩn Nhật Bản, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các DN bất động sản Nhật Bản và Việt Nam còn rất lớn. Các DN trong nước tiếp tục khẳng định vai trò trên thị trường BĐS, kể cả trong thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), thị trường xây lắp, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại. Riêng lĩnh vực môi giới văn phòng cao cấp cho thuê, dịch vu môi giới bán nhà cho người nước ngoài, quản lý dự án BĐS cao cấp thì lợi thế đang thuộc về DN nước ngoài.

Mới đây, tại buổi tiếp ông Keiji Kimura, Chủ tịch Hiệp hội các DN Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái ở nước ngoài, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, các chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản đã và đang triển khai trong lĩnh vực phát triển đô thị, sẽ góp phần gắn bó, phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản sẽ có nhiều hơn cơ hội hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực phát triển đô thị, kết hợp hài hòa tính chất, đặc trưng khí hậu của Việt Nam với mô hình đô thị phát triển của Nhật Bản.

Ông Keiji Kimura cho biết, hiện trạng đô thị của TP Hồ Chí Minh hiện nay giống Nhật Bản cách đây vài chục năm trước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để giãn dân từ các thành phố lớn ra ngoại ô. Khi hạ tầng được đầu tư sẽ kéo theo nguồn vốn đổ về các khu vực đó hình thành các khu dân cư sầm uất, một bộ phận dân cư sẽ di dời ra ngoại thành sinh sống, khi đó vấn đề kẹt xe, ngập nước cũng phần nào được giải quyết.

Hiệp hội các DN Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái ở nước ngoài hiện nay có 57 thành viên nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính, quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị rất mong muốn hợp tác cùng TP Hồ Chí Minh trong việc cung cấp kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ tiên tiến để xây dựng thành phố thành đô thị hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường…