Học online trong những ngày phòng dịch

Mong muốn học sinh, sinh viên không bị hổng kiến thức hoặc cảm thấy mỏi mệt sau kỳ nghỉ dài do phòng dịch bệnh, nhiều trường học từ phổ thông đến đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giảng dạy trên in-tơ-nét với hình thức khá đa dạng.

Thầy giáo Phạm Thư Tùng trao đổi trực tuyến với học sinh trên mạng xã hội Facebook.
Thầy giáo Phạm Thư Tùng trao đổi trực tuyến với học sinh trên mạng xã hội Facebook.

Live stream cùng học sinh

Hơn một tuần nay, ngày nào anh Phạm Thư Tùng, giáo viên bộ môn Vật lý Trường THPT Ernest Thalmann (Ten-lơ-man) ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cũng bật điện thoại live stream để ôn kiến thức cũ và dạy kiến thức mới cho học sinh. Riêng với phần ra bài tập kiểm tra, thầy giáo này dùng phần mềm Microsoft Forms để giao bài, thu bài và chấm điểm trực tiếp cho tất cả học sinh. "Tôi lập một nhóm gồm cán sự năm lớp và phân công nhiệm vụ cho các lớp trưởng để các em thông tin đến từng học sinh trong lớp. Ðúng lịch hẹn, tôi sẽ live stream để gặp các em trao đổi cụ thể về chương trình học và sửa bài tập. Dạy trực tuyến như thế này giáo viên vất vả hơn rất nhiều, nhưng kỳ nghỉ kéo dài thầy, cô đều phải cố gắng. Nhiều học sinh thích nghi nhanh nên tình hình học tập của các lớp cũng khá ổn", thầy giáo Phạm Thư Tùng cho biết.

Tại Trường THPT Ten-lơ-man cũng có nhiều giáo viên đang sử dụng mạng xã hội Facebook, kênh Youtube và nhiều phần mềm làm việc nhóm hiện đại khác để kết nối học sinh và tổ chức ôn tập, truyền đạt kiến thức mới, ra bài tập. Các giáo viên và nhà trường cũng làm việc với nhau qua nhiều nhóm trên mạng để chia sẻ công việc, học hỏi kinh nghiệm nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các em.

Tại Trường CÐ Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, hơn 2.200 học sinh hệ CÐ và 9+ sẽ tiếp tục nghỉ thêm một tuần nhằm bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh do vi-rút corona gây ra. Giai đoạn này, nhà trường giao nhiệm vụ các giáo viên quản nhiệm hệ 9+ thu kiến thức mỗi tiết dạy thành vi-đê-ô rồi đăng tải trên Youtube hoặc Facebook, trang web của trường. Giáo viên được giao kết nối với học sinh, phụ huynh để bàn lịch ôn tập, học kiến thức mới cụ thể, tránh trường hợp em xem, em không. Ông Nguyễn Ðăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các giáo viên sẽ ứng dụng công nghệ mới nhất, thuận tiện nhất trong việc dạy qua mạng. Riêng với các sinh viên đang trong quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp, nhà trường yêu cầu giáo viên tạo thành các nhóm trên Facebook với lịch trao đổi, hướng dẫn cụ thể.

Sáng tạo trong phương pháp giáo dục

Cũng chọn phương pháp giảng dạy trên mạng để học sinh không quên kiến thức trong kỳ nghỉ dài, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) đã giúp gần 1.000 người học và gia đình cảm thấy an tâm. "Chúng tôi yêu cầu giáo viên mỗi lớp ra bài tập dạng mở cho cá nhân hoặc nhóm học sinh làm trong thời gian này. Mỗi môn sẽ có cách thức khác nhau nhưng bảo đảm tính chủ động và sáng tạo cho các em. Kỳ nghỉ kéo dài, tuy không đủ điều kiện tổ chức học trực tuyến nhưng chúng tôi giao giáo viên thu bài giảng đăng trên mạng xã hội, trang web của trung tâm và tổ chức live stream theo lịch hẹn với học sinh. Phương thức giao bài tập và nộp bài tập khá linh hoạt, có thể qua thư điện tử, nhóm nói chuyện trên mạng xã hội, qua Facebook…", ông Ðỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm cho hay.

Trong tất cả những bài tập mà Trung tâm này giao cho học sinh thực hiện tại nhà, đề bài môn Ngữ văn tạo được ấn tượng sâu sắc nhất. Theo đó, giáo viên yêu cầu học sinh viết cảm nhận về tình người trong mùa dịch do nCoV, điều mà mỗi cá nhân nên làm, hay "Em nghĩ như thế nào khi đọc được câu: Hết bán khẩu trang, nước sát khuẩn. Ðừng hỏi". Ngay lập tức, nhiều bài viết xúc động đã được gửi về hộp thư điện tử của giáo viên môn Ngữ văn. Những bài viết hay được các giáo viên chia sẻ trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt.

Cũng chọn phương pháp giáo dục trực tuyến trong kỳ nghỉ kéo dài này, Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe nhằm mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho sinh viên. Kiến thức được giảng viên soạn theo giáo án điện tử hiện đại nhất rồi quay dựng thành vi-đê-ô ngắn gọn giới thiệu đến người học. Trường điểm danh trực tuyến trước mỗi buổi học nên sinh viên chấp hành nghiêm túc. PGS, TS Ðỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường những ngày gần đây "lên sóng" tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Ông Dũng cho biết, vì trong đợt nghỉ nên lượng học sinh, sinh viên truy cập buổi chia sẻ trực tuyến của ông rất đông, hơn 35.000 em. Thông qua buổi trò chuyện kéo dài vài tiếng đồng hồ, ông lồng ghép kiến thức về phòng, chống dịch bệnh đến người xem.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt chương trình giáo dục của học kỳ II cũng là nhiệm vụ mà Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh giao đến từng trường. Theo đó, các trường được yêu cầu áp dụng sinh động nhiều chương trình giảng dạy làm sao giúp học sinh ôn luyện đủ kiến thức, không gò bó nhưng vẫn hiệu quả. Ðồng thời lồng ghép những nội dung tuyên truyền, giáo dục cần thiết về dịch bệnh nhằm giúp học sinh, sinh viên hiểu đúng, hiểu đủ và có cách phòng ngừa tốt nhất.