Học để... trốn thất nghiệp ?

Không xin được việc làm sau khi ra trường, nhiều cử nhân, kỹ sư đã chọn cách đi học tiếp nhằm trốn chuyện bị thất nGhiệp. Vòng luẩn quẩn này tiếp tục diễn ra khi những kỹ sư, cử nhân ấy ôm một mớ bằng cấp nhưng không biết làm gì...

Chị Ngô Thị Hồng Diệu (quê Đồng Tháp) nộp hồ sơ xin việc làm ở một công ty.
Chị Ngô Thị Hồng Diệu (quê Đồng Tháp) nộp hồ sơ xin việc làm ở một công ty.

Đi học vì... thất nghiệp Anh Trần Văn Tính, quê ở Vĩnh Long, tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh năm 2008. Sau khi ra trường, dù bám trụ tại thành phố nhiều tháng trời nhưng anh vẫn không tìm được việc làm. Bị gia đình hối thúc về quê, anh Tính đã chọn giải pháp đi học tiếp.

Thêm bốn năm đèn sách, năm 2013, Tính cầm trong tay thêm tấm bằng của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại, dù có hai bằng đại học cộng với nhiều chứng chỉ tiếng Anh, vi tính, nhưng hơn một năm nay, anh Tính vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn. Anh Tính kể, cầm trong tay hai tấm bằng đại học, anh rất tự tin khi đi xin việc. Nhưng khi được gọi đến phỏng vấn, anh đều phải thất vọng quay về với những lý do nhà tuyển dụng đưa ra là chưa có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường... họ không muốn mất thời gian để đào tạo người mới. Anh tiếp tục gửi hồ sơ qua mạng, gửi trực tiếp đến nhiều công ty, nhưng cũng chỉ nhận lại bằng những cái lắc đầu.

Anh chia sẻ: "Có lẽ tôi sẽ học tiếp lên cao học"...

Tương tự, đến nay, chị Nguyễn Hương Giang, quê ở Bình Định đã có trong tay năm tấm bằng các loại nhưng đành làm công nhân kiểm hàng cho một công ty của Nhật Bản với mức lương ba triệu đồng/tháng.

Theo chị Giang, dù công việc vất vả, không đúng chuyên môn, thu nhập thấp, nhưng chị cũng đành cắn răng để làm nhằm duy trì cuộc sống. "Hiện nay, tôi vừa đăng ký học tiếp một khóa liên quan đến ẩm thực, khách sạn với hy vọng sẽ tìm được việc làm trong lĩnh vực này" -chị Giang tâm sự.

Lãng phí bằng cấp Phó Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Hưng Thịnh Lê Nam Hiền chia sẻ, hằng năm, công ty ông đều tuyển hàng trăm nhân viên. Có những bạn khi nộp hồ sơ kèm theo cả một tá những bằng cấp, nào là bằng đại học, bằng tiếng Anh, tiếng Trung...; thậm chí có nhiều bạn có cả bằng thạc sĩ. Điều đáng tiếc là vị trí mà công ty tuyển dụng không cần quá nhiều bằng cấp như vậy. Bằng cấp chỉ đóng góp khoảng 30% trong khả năng trúng tuyển, phần còn lại là kỹ năng, vốn sống và cách ứng xử. "Có nhiều hồ sơ trúng tuyển vào công ty chỉ có duy nhất tấm bằng cao đẳng" - ông Hiền cho biết.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng nhân sự một tập đoàn của Ô-xtrây-li-a chuyên sản xuất chai lọ thủy tinh cho biết, nếu chỉ cần tìm một công việc phù hợp chuyên môn và có thu nhập, thì học xong cao học còn khó tìm việc hơn. Vì chỉ lo học mà không có kinh nghiệm thực tiễn cho nên kiến thức đã học sẽ khó áp dụng được. Thời điểm khó khăn hiện nay, nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển người có kinh nghiệm chứ không phải chỉ với lý thuyết suông. Trả lương thấp cho người có bằng thạc sĩ thì khó, còn trả cao chắc chắn càng không, do người được tuyển dụng chưa chứng minh được năng lực của mình ngoài bằng cấp. Chị Thảo khuyên: Thay vì đầu tư vào để tiếp tục đi học, hãy dành thời gian tập trung vào xin việc, trau dồi kỹ năng làm việc.

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn phân tích: Đã không có việc làm mà đi học lên cao hơn là không hiệu quả. Học để ôm thêm lý thuyết để làm gì? Nếu đi học để làm giảng viên, làm việc tại các viện nghiên cứu thì không sao, nhưng học để tiếp sau đó bươn chải với công việc ngoài đời thì chưa hẳn đã tốt. Thay vì đi học hãy tìm việc làm trước, đúng chuyên ngành càng tốt, không đúng cũng chả sao. Đi làm có va chạm thực tế mới trưởng thành, mới thấy và phát huy được tiềm năng của mình.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý IV-2013, cả nước có khoảng 900 nghìn người thất nghiệp, tăng 48 nghìn người so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao đẳng cao gấp bốn lần, nhóm trình độ đại học trở lên cao gấp ba lần so với tỷ lệ đối tượng thất nghiệp khác...