Hoàn trả mặt bằng thi công tuyến Metro

Sau gần bảy năm thi công, đoạn đi ngầm của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nằm trên tuyến đường Lê Lợi, quận 1 (đoạn từ đường Pasteur đến đường Nguyễn Huệ) sẽ được hoàn trả tái lập mặt bằng trước ngày 30-4. Thông tin này được nhiều chủ cửa hàng, nhà dân nằm ở khu vực này rất vui mừng vì nhiều năm qua việc buôn bán kinh doanh ở nơi sầm uất nhất quận 1 gần như "đóng băng".

Mặt bằng thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên (đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur) đang được tích cực hoàn thiện, hoàn trả sau gần bảy năm thi công.
Mặt bằng thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên (đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur) đang được tích cực hoàn thiện, hoàn trả sau gần bảy năm thi công.

Thông tin một đoạn mặt bằng được rào chắn gần bảy năm qua trên tuyến đường Lê Lợi sẽ được tháo bỏ và tái lập hoàn toàn trước ngày 30-4, làm nhiều chủ cửa hàng kinh doanh khu vực gần đó phấn chấn hẳn lên. Chị Liên, nhân viên bán hàng tại cửa hàng quần áo thời trang nằm trên đường Lê Lợi cho biết: "Từ năm 2014 đến nay, khi công trình Metro rào chắn thi công thì cửa hàng hầu như không ai lui tới. Lượng khách giảm khoảng 90%. Trước đây thi thoảng còn có một số khách nước ngoài đến mua đồ nhưng hơn một năm nay do dịch Covid-19 kéo dài nên khách tây lẫn khách Việt gần như không ghé". Gần bên, một nhân viên bảo vệ của phòng giao dịch Ngân hàng Eximbank cho biết: Chỉ có khách hàng quen mới ghé đây chứ phòng giao dịch nằm kẹt gần công trình thi công không ai muốn đến, bởi đường đi quá chật, bụi và tiếng ồn của công trình ngay bên cạnh. "Dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát, cộng thêm rào chắn sắp tháo dỡ, mọi người ở đây có một mong ước là việc kinh doanh khởi động lại, thuận lợi hơn trước"- anh Thịnh, chủ cửa hàng ăn uống nằm trên đường Nguyễn Huệ chia sẻ.

Ðó cũng là ao ước của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh nằm dọc hai bên đường Lê Lợi vì trước đây tuyến đường này vốn được xem là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại lớn sầm uất thu hút rất đông du khách từ khắp nơi đến vui chơi, tham quan mua sắm. Tuy nhiên, từ khi công trình xây dựng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, có đoạn đi ngầm qua khu vực này thì gần như hoạt động buôn bán kinh doanh "đóng băng" vì mặt bằng thi công nằm ngay bên dưới tuyến đường với những đoạn đào ngầm có độ sâu lên tới 40 m nên phải rào chắn để bảo đảm công trình được thi công đúng yêu cầu về kỹ thuật cũng như an toàn cho người qua lại. Ghi nhận sáng 16-4, nhiều công nhân, kỹ sư tranh thủ làm hết tốc lực để kịp hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur dịp lễ 30-4 đúng như yêu cầu của UBND thành phố. Tại công trường, phần hoàn thiện nền hạ mặt đường cũng như thi công các hạng mục khác đang được giải quyết rốt ráo. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, hiện nay công tác thi công tái lập như phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, cống thoát nước... bên trên ga Nhà hát thành phố (đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur) đang được khẩn trương thi công nhằm hoàn thành việc tái lập trước ngày 30-4. Ðồng thời, các tầng ngầm bên dưới nhà ga, phần chỉnh trang, thiết kế kiến trúc và cơ điện vẫn đang được nhà thầu tiếp tục hoàn thiện. Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp, đôn đốc nhà thầu thi công phấn đấu hoàn thành cơ bản gói thầu CP 1b (ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) vào cuối tháng 5-2021.

Ðể phục vụ thi công nhà ga ngầm Nhà hát thành phố (là ga số 2 trong tổng số 14 nhà ga của tuyến Metro số 1), từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Ðồng Khởi đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) được thu hồi và bàn giao cho nhà thầu rào chắn thi công. Kỹ thuật thi công ở khu vực này rất phức tạp, hầu hết nhà thầu thi công sử dụng công nghệ đào ngầm tiên tiến trên thế giới, độ sâu trung bình từ 30 đến 40 m. Ðặc biệt, đoạn đi ngầm từ nhà ga Ba Son đến Nhà hát thành phố sử dụng công nghệ đào rô-bốt TBM tiên tiến của Nhật Bản (đào ngầm bằng khiên đào). Trước đó, tháng 4-2020, toàn bộ rào chắn của tuyến Metro số 1, đoạn từ đường Ðồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ (trước mặt Nhà hát thành phố) đã được tháo dỡ nên tạo sự thông thoáng về cảnh quan cũng như việc đi lại, sinh hoạt của người dân thành phố.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chấp thuận đề xuất của Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố cho tái lập đường Lê Lợi (một phần đoạn đường này từ đường Pasteur đến đường Nguyễn Huệ) để các phương tiện lưu thông trước ngày 30-4. Phần đường còn lại tại khu vực này và các khu vực đang tổ chức thi công dọc trục đường Lê Lợi sẽ bàn giao trước ngày 31-12 để phục vụ việc tái lập toàn tuyến đường. Ngoài ra, thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố, các sở, ngành và đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án phân luồng giao thông, thiết kế cảnh quan và kế hoạch thi công tái lập tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến khu vực chợ Bến Thành) trong quý II - 2021.

Hiện nay, tổng tiến độ gói thầu CP1a (nhà ga Bến Thành và hầm đào hở Lê Lợi) đã đạt được 86,2%. Nhà ga Bến Thành, nhà ga trung tâm của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên cũng như các tuyến Metro khác đang triển khai xây dựng là một trong những công trường nhộn nhịp nhất vì thu hút đội ngũ hơn 1.000 công nhân, kỹ sư làm việc ngày đêm, tập trung cao độ nhằm hoàn thành tiến độ của hạng mục theo yêu cầu đề ra. Ga ngầm Bến Thành dài 236 m, rộng 60 m, sâu khoảng 32 m, quy mô bốn tầng, bao gồm: sảnh chờ, sảnh đã thu phí, lối lên xuống, văn phòng, phòng nghỉ của nhân viên, phòng cơ học, phòng điện, phòng quạt thông gió… Nhà ga có sáu lối lên xuống. Lối số 1 và 2 tại Công viên 23/9 - Công trường Quách Thị Trang. Lối số 3 trên đường Phan Chu Trinh, cạnh chợ Bến Thành. Lối số 4 và 5 nối trực tiếp vào tầng hầm của dự án khu tứ giác Bến Thành. Lối số 6 tại giao lộ Lê Lai - Huỳnh Thúc Kháng - Hàm Nghi.

Bài và ảnh: VÕ LÊ