Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non

Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa thông qua Đề án "Hỗ trợ ngành học mầm non TP Hồ Chí Minh". Theo đó, cùng với triển khai thí điểm giữ trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập, thành phố còn có nhiều chính sách ưu đãi giáo viên mầm non. Đề án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy của bậc học mầm non tại thành phố.

Hỗ trợ người lao động khó khăn

Theo Đề án "Hỗ trợ ngành học mầm non TP Hồ Chí Minh", từ năm học 2014-2015, thành phố thí điểm giữ trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi tại tám quận, huyện: quận 12, quận 5, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè (mỗi quận, huyện thí điểm ở một đến hai trường mầm non công lập). Năm học 2015 - 2016 sẽ có thêm bốn quận: quận 9, quận 11, Gò Vấp, Tân Bình và tới năm học 2016 - 2017 sẽ "phủ kín" tại 24 quận, huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận, để thực hiện đề án, thành phố ưu tiên bố trí, xây dựng mới trường mầm non theo đề nghị của các quận, huyện, trong đó tập trung đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) và các phường chưa có trường mầm non công lập. Thành phố cũng có các chính sách ưu đãi nhằm vận động xã hội hóa xây dựng trường mầm non ngoài công lập như: mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non theo mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục. Các quận, huyện phải công khai chi tiết quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, trong đó có đất dành cho giáo dục mầm non để các tổ chức, cá nhân biết và tham gia thực hiện; dùng ngân sách địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay không tính lãi suất để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang, thiết bị cho các cơ sở trông giữ trẻ bảo đảm đủ điều kiện cấp phép hoạt động...

Hiện tại, các trường công lập của thành phố chưa nhận trẻ từ 6 đến 13 tháng tuổi. Toàn thành phố có 120 trường nhận trẻ từ 13 tháng tuổi, 18 trường mầm non tư thục giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, 39 nhóm trẻ gia đình giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi và 77 nhóm trẻ gia đình giữ trẻ từ 13 đến 18 tháng tuổi. Trong khi đó, thành phố có 520 cơ sở trông giữ trẻ không phép nuôi giữ hơn 10.000 trẻ. Khó khăn hiện nay là các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 48,7% nhu cầu của trẻ đi học; còn 11 phường chưa có trường mầm non công lập và đáng chú ý là thiếu trầm trọng trường mầm non ở các KCX, KCN và thiếu khoảng 2.000 giáo viên.

Khi thực hiện đề án, dự kiến tỷ lệ trẻ học nhà trẻ tại các trường mầm non công lập tăng từ 31,9% (năm 2014) lên 40% (năm 2020); các trường mầm non ngoài công lập tăng từ 26,2% lên 50% và nhóm trông giữ trẻ gia đình giảm từ 41,9% còn 10%.

Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, thành phố không có tham vọng bao cấp hết chỗ học cho trẻ, trước mắt sẽ hỗ trợ những gia đình khó khăn, nhất là công nhân lao động. Với những gia đình nghèo không có điều kiện gửi con ở các nhà trẻ tư thục, nếu thành phố không hỗ trợ sẽ rất khó khăn.

Nhiều chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non

Cùng với việc thiếu giáo viên mầm non, hiện nay, chương trình đào tạo của các trường sư phạm tại thành phố chưa chú trọng việc dạy giáo viên kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi cho nên giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ lứa tuổi này. Điều này khiến cho nhiều người dân băn khoăn khi triển khai việc giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Chị Nguyễn Thị Minh Lý, ngụ quận Tân Phú phân vân: "Tôi có con nhỏ dưới một tuổi. Tôi thấy việc chăm các bé còn nhỏ cần kỹ hơn các bé trên 18 tháng, vì vậy cần nhiều giáo viên chăm sóc cho bé hơn. Nghe nói, thành phố vẫn thiếu giáo viên mầm non, không biết khi triển khai trông giữ các bé dưới 18 tháng tuổi có bảo đảm không?".

Theo đồng chí Hứa Ngọc Thuận, khó khăn về nguồn nhân lực sẽ được khắc phục bằng cách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập. Bên cạnh đó, sẽ triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề nuôi dạy trẻ cho một số sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng nhưng chưa có việc làm.

Trong đề án, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp nuôi dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi được đề nghị hưởng bằng với mức hỗ trợ của trường chuyên biệt với mức phụ cấp ưu đãi 70%. Giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới trong ba năm đầu (tính từ năm học 2014-2015), trong đó năm đầu tiên hỗ trợ 100% mức lương cơ bản, năm thứ hai hỗ trợ 70% lương cơ bản và năm thứ ba hỗ trợ 50% lương cơ bản. Thành phố cho phép bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng (một lớp có một nhân viên nuôi dưỡng). Riêng với giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại các trường ngoài công lập được hưởng trợ cấp giảng dạy 200 nghìn đồng/trẻ/tháng.

Triển khai đề án này, năm 2014, TP Hồ Chí Minh sẽ chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục hơn 7.590 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện tăng thêm gần 230 tỷ đồng và kinh phí chi đầu tư phát triển các dự án đã có chủ trương của thành phố là 5.459 tỷ đồng...

HOÀNG HẢI

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn: Việc thí điểm nuôi dạy trẻ 6 đến 18 tháng ở các trường mầm non không ảnh hưởng gì đến việc nuôi dạy trẻ các độ tuổi khác. Khi thực hiện, đơn vị sẽ lựa chọn giáo viên, bảo mẫu của các trường để đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.