Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chủ lực

Để hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh phát triển tốt hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp UBND thành phố tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) đánh giá lại thực trạng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề ra những giải pháp nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Doanh nghiệp giao dịch vay vốn tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp giao dịch vay vốn tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.

Tín dụng tăng trưởng khả quan

Năm 2018, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN) trên địa bàn thành phố, ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) đã triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho 1.287 DN tại 24 quận, huyện với quy mô lên đến 2.741 tỷ đồng. Trong năm 2019, ACB tiếp tục tập trung hơn nữa hoạt động tín dụng ở các ngành nghề và lĩnh vực sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố. Cũng trong năm 2018, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã giải ngân được 1.900 tỷ đồng cho các DN thông qua chương trình kết nối NH - DN với lãi suất cho vay từ 7,5%/năm (ngắn hạn) đến 9%/năm (trung, dài hạn). Cùng với đó, Sacombank dành ra 3.000 tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kết nối tín dụng dành cho các DN chuyển đổi - hộ kinh doanh -tiểu thương ở thành phố. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) chi nhánh thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn đối với các ngành hàng sản phẩm chủ lực khi dư nợ cho vay của nhóm DN này chiếm đến hơn 37% tổng dư nợ tín dụng năm 2018. Trong năm 2019 và những năm tới, VCB chi nhánh thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay ở nhóm DN sản xuất các sản phẩm chủ lực ở thành phố, nâng dư nợ cho vay ở nhóm này lên từ 40 đến 45% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn…

Phó Giám đốc Thường trực NHNN chi nhánh thành phố Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Trong năm 2018, chương trình kết nối NH - DN đã cho vay ưu đãi đối với 10.593 khách hàng với tổng số vốn 285.544 tỷ đồng, vượt 9,8% so với cam kết vào đầu năm của các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó, ở hình thức đăng ký gói tín dụng hỗ trợ, tính đến hết năm 2018, các NHTM đã giải ngân được khoảng 269.500 tỷ đồng vốn vay đối với hơn 10.000 DN ở mọi lĩnh vực, vượt khoảng 9.500 tỷ đồng so với tổng số vốn mà các NHTM đã cam kết cho vay vào đầu năm 2018. Cũng ở hình thức tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi này, năm 2019 có 15 NHTM đăng ký tham gia với tổng vốn đăng ký là 269.262 tỷ đồng (đến hết tháng 3-2019, các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 DN). Còn ở chương trình cho vay hỗ trợ DN sản xuất và kinh doanh hàng hóa bình ổn thị trường (một chương trình mang đậm đặc trưng của thành phố, gắn liền với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"), có 10 NHTM tham gia với tổng vốn đăng ký là 17.800 tỷ đồng. Ðáng chú ý, ở các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, từ năm 2013 đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay 36.241 khách hàng với tổng vốn hơn 158 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay ở nhóm DN nhỏ và vừa chiếm 70,54%, có đến 22.977 khách hàng hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm: Trong năm 2019, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tốt cơ chế cho vay đối với DN ở các lĩnh vực ưu tiên nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung; tiếp tục triển khai và tổ chức chương trình kết nối NH - DN theo phương châm thiết thực và hiệu quả…

Tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Dù tốc độ tăng trưởng và quy mô tín dụng tăng khá cao, nhưng vẫn còn không ít DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý từ các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Trần Việt Anh cho rằng: Cần tăng tỷ lệ cho vay tín chấp đối với các DN nhỏ và vừa. Trong đó, nên ưu tiên và có chính sách tín dụng riêng đối với những DN sản xuất, nhất là DN sản xuất hàng xuất khẩu, và những DN có thâm niên hoạt động hàng chục năm trong một ngành nghề, sản phẩm (vì phần lớn những DN này thường có uy tín cao trên thương trường và độ rủi ro kinh doanh lại rất thấp). Còn theo Phó Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Từ Minh Thiện, các tổ chức tín dụng cần quan tâm hỗ trợ tín dụng cho các DN ứng dụng công nghệ cao ở lĩnh vực nông nghiệp trong thời kỳ hình thành và phát triển ban đầu, giai đoạn mà DN rất cần sự "hà hơi", tiếp sức về tài chính. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa việc bảo lãnh vay đối với những DN hoặc các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả tốt và nằm trong một chuỗi cung ứng nông sản để họ có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh việc cam kết cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thông thoáng, nhanh chóng và thuận lợi nhất cho khách hàng, các NHTM kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành. Theo đại diện Sacombank, NHNN cần xem xét điều chỉnh quy định cá nhân chủ DN tư nhân phải đứng tên trên hợp đồng vay vốn đối với chủ thể vay là DN, vì các NHTM thường có chính sách tín dụng khác nhau đối với khách hàng cá nhân và DN. Bên cạnh đó, đối với các DN nhỏ (doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm trở xuống) thì việc cung cấp hồ sơ, báo cáo tài chính nên theo quy định riêng của NHTM nhằm đơn giản hóa quá trình xử lý hồ sơ vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của nhóm DN này. Ở góc độ khác, những bên mua lớn (siêu thị, công ty đầu ngành…) cần "chung tay" với NHTM trong việc xác nhận bao thanh toán để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa khi bán hàng theo phương thức trả chậm và được NHTM cung ứng vốn lưu động theo hình thức bao thanh toán. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, UBND thành phố cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, cải cách thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoàn tất hồ sơ vay vốn và có được nguồn vốn nhanh chóng hơn. Về chính sách tín dụng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú cho biết: Trong năm 2019, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giữ ổn định lãi suất cho vay và tỷ giá hối đoái. Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ, mở rộng tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển tốt hơn, nhất là các lĩnh vực sản xuất và ưu tiên.