Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) được xem là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) gia tăng tính cạnh tranh, phục hồi sau dịch Covid-19 và nắm bắt những cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trở ngại khiến không ít DN nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung chưa thể thực hiện CĐS. DN rất cần sự hỗ trợ thiết thực của ngành chức năng để nắm bắt cơ hội CĐS trong thời gian tới.

Nhân viên Công ty cổ phần MISA TP Hồ Chí Minh triển khai các phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Nhân viên Công ty cổ phần MISA TP Hồ Chí Minh triển khai các phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Thời gian qua, nhờ sớm triển khai CĐS, có những DN tại TP Hồ Chí Minh bước đầu đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.

Theo Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty cổ phần quốc tế Quang Điện Võ Đình Bảo Quốc (có nhà máy tại TP Thủ Đức), sản phẩm dây cáp, sợi cáp quang học của công ty xuất khẩu sang châu Âu nên để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ năm 2017, công ty xác định triển khai CĐS. Thời điểm đó chưa có nhiều đơn vị tư vấn nên công ty tự mày mò thực hiện. Trong đó, phần quản lý sản xuất quang điện tử, vi mạch rất khó khăn do sản phẩm này quá bé. Công ty bắt đầu số hóa từng công đoạn sản xuất vi mạch. "Nhờ đó, chúng tôi đánh giá được sản phẩm nào tốt, đâu là sản phẩm có khả năng bị lỗi, bị hư hỏng. Nhờ đưa số hóa vào sản xuất và quản lý quy trình, chúng tôi tìm ra lỗi do vật liệu hay do thiết kế để kịp thời điều chỉnh. Sau khi CĐS, chúng tôi có thể giảm công đoạn, rút ngắn thời gian, giúp giảm chi phí mà có thể tăng chất lượng sản phẩm. Nếu không có CĐS, số hóa, công ty không thể cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, chúng tôi đã có hệ thống quản lý tương đối tốt trong vận hành sản xuất và điều hành dựa trên CĐS", ông Võ Đình Bảo Quốc cho biết thêm.

Tương tự, ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Trần (huyện Hóc Môn) khẳng định: "DN chuyên xuất khẩu mặt hàng gỗ như chúng tôi mà không triển khai CĐS sẽ giảm cạnh tranh rất nhiều so với DN các nước khác cùng sản xuất mặt này. Sau khi CĐS, công ty nhận thấy hiệu quả rất rõ rệt. Chẳng hạn, trước đây, một người đứng một máy, nhưng khi tự động hóa, một người có thể điều khiển cùng lúc hai, ba máy. Công suất một máy tự động gấp từ bốn đến 10 lần máy cũ, giúp nâng cao năng suất chung của DN đến hai, ba lần. Khi CĐS, các dữ liệu tự động hóa này sẽ được chuyển thẳng về kho dữ liệu, nhờ đó chúng tôi quản lý chính xác mà không mất nhiều công sức. CĐS đồng bộ là ước mơ, nếu được hỗ trợ, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ công việc này".

Tuy vậy, mức độ nhận thức về CĐS của nhiều DN nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế, mặc dù CĐS là xu thế phát triển tất yếu. Theo Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú Nguyễn Viết Toàn, một số thống kê từ các sở, ban, ngành cho thấy mức độ nhận thức về CĐS của các DN tại TP Hồ Chí Minh chỉ dưới 10%. Riêng lĩnh vực tự động hóa, nhất là với các DN sản xuất, hầu như chưa có chuyển biến gì nhiều. Thời gian qua, công tác tuyên truyền về CĐS được thực hiện khá tốt, nhưng vẫn cần thêm thời gian để lan tỏa, sát thực với yêu cầu các DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ.

"Trở ngại lớn nhất vẫn là nhận thức. Bên cạnh đó là giới hạn của DN về nguồn lực tài chính. Ngoài ra, thành phố còn thiếu những mô hình, giải pháp thành công cụ thể để nhiều DN nhìn thấy một cách rõ ràng để từ đó chủ DN có quyết tâm hơn về CĐS. Thành phố cũng chưa có tiêu chuẩn đánh giá đối với các nhà cung cấp giải pháp CĐS tin cậy cho các DN. Có quá nhiều nhà cung cấp mà chưa có tiêu chuẩn đánh giá khiến các DN đang "tự bơi" giữa mênh mông các luồng thông tin", ông Nguyễn Viết Toàn lý giải.

Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021 - 2025". Chương trình hướng tới hỗ trợ CĐS thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của DN; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất và hỗ trợ CĐS toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.

Hiện, đã có hơn 3.000 DN tiếp cận chương trình này. Bộ KH và ĐT cùng Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (USAID LinkSME) đang tiến hành sàng lọc và có khoảng hơn 500 DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến quy mô vừa và lớn có nhu cầu thực tế về CĐS. Chương trình đang đánh giá mức độ sẵn sàng cho các DN này và triển khai các hoạt động tư vấn chuyên sâu để CĐS theo nhu cầu của từng DN. Hơn một tháng qua, chương trình cũng thu hút được hơn 60 DN công nghệ, chuyên gia về chuyển đổi số đăng ký đồng hành, trong đó có các DN phát triển các nền tảng "Make in Vietnam".

Chương trình đang triển khai đánh giá, trao đổi với các DN công nghệ và chuyên gia để kết nối các DN có nhu cầu CĐS với các nhà cung cấp giải pháp, chuyên gia uy tín và phù hợp. Bộ KH và ĐT cũng chủ động bổ sung nguồn kinh phí xây dựng một số bài giảng trực tuyến nhằm chia sẻ kiến thức về CĐS cho DN, thu hút được hàng nghìn lượt theo dõi.

Tại hội thảo "CĐS cho DN nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng KH và ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục hợp tác với Dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% DN được nâng cao nhận thức về CĐS; ít nhất 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; 100 DN được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm ít nhất 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

"Bộ KH và ĐT mong muốn tiếp tục phối hợp với USAID xây dựng sổ tay xác định lộ trình thực hiện CĐS cho các DN, các ngành thực hiện CĐS. Cùng với đó là xây hệ thống các chuyên gia, các tổ chức tư vấn quy trình giúp DN thực hiện CĐS tốt nhất. Trong đó có tư vấn các DN nhỏ và vừa thực hiện các bộ hồ sơ tài chính tiếp cận vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Bộ cũng có nguồn quỹ giúp các DN nhỏ và vừa thực hiện CĐS một cách hiệu quả trong thời gian tới", Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Bài và ảnh: ANH TUẤN