Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nông sản

Doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung cần tận dụng cơ hội Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong ngành thực phẩm và nông sản vào thị trường Bắc Mỹ. Đây là thị trường đầy tiềm năng và còn dư địa rất lớn cho các DN khai thác, mở rộng, phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19.

Gian hàng trưng bày quảng bá thương hiệu nông nghiệp chủ lực của doanh nghiệp thành phố.
Gian hàng trưng bày quảng bá thương hiệu nông nghiệp chủ lực của doanh nghiệp thành phố.

Ca-na-đa, cầu nối đưa nông sản vào Bắc Mỹ

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác của Việt Nam và Ca-na-đa ngày càng được thắt chặt và đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ca-na-đa những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi tiến hành thực thi CPTPP. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ca-na-đa trong ASEAN và Ca-na-đa là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ”. Ca-na-đa được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu với khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua 14 hiệp định thương mại với 51 quốc gia với gần 1,5 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP là 49,3 nghìn tỷ USD. Ngành công nghiệp thực phẩm là ngành sản xuất lớn nhất tại Ca-na-đa, đóng góp hơn 110 tỷ USD vào GDP của Ca-na-đa, sử dụng 2,3 triệu người, xuất khẩu gần 56 tỷ USD và nhập khẩu 44,5 tỷ USD. Nếu các DN trong nước hoạt động trong ngành thực phẩm và nông sản tiếp cận được với thị trường Ca-na-đa, cũng đồng nghĩa sẽ đưa hàng vào khu vực các nước Bắc Mỹ và rộng hơn là châu Mỹ dễ dàng hơn. Ở chiều ngược lại, với lợi thế là một nước có nền kinh tế mở, Việt Nam sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Ca-na-đa tiếp cận với thị trường 660 triệu người trong khối ASEAN, cũng như các thị trường quan trọng khác tại khu vực châu Á.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ca-na-đa đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2018. Riêng sáu tháng đầu năm nay, mặc dù thương mại toàn cầu suy giảm đến 20% do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng thương mại song phương Việt Nam - Ca-na-đa vẫn giữ được mức tăng trưởng 0,1%. Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu hải sản của Ca-na-đa. Các lĩnh vực tiềm năng DN Việt Nam có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ nội thất, hàng nông sản... Trong đó, các mặt hàng thủy sản đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như, tôm, cá ba sa, cá ngừ...  Cụ thể, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang Ca-na-đa, chiếm khoảng 30% thị phần tại Ca-na-đa. Ông Paul Lansbergen, Chủ tịch Hội đồng thủy sản Ca-na-đa nhấn mạnh: Hiện, khoảng 80% thị trường thủy sản của Ca-na-đa nhập khẩu với gần 4 tỷ USD một năm, tăng 21% so với năm 2015. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản và cá lớn thứ tư vào Ca-na-đa sau Mỹ, Trung Quốc, Thái-lan. Với CPTPP, các sản phẩm từ thủy sản, cá, tôm được giảm thuế rất lớn so với trước, đây là cơ hội để hai nước đẩy mạnh giao thương với nhau. Tuy nhiên, Ca-na-đa là quốc gia hàng đầu thế giới chú trọng về chất lượng, an toàn thực phẩm nên các sản phẩm phải có chứng nhận rõ ràng. Các DN Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Ca-na-đa phải tăng sức cạnh tranh bằng cách giảm giá thành các mặt hàng hải sản và cá, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc…; đây là rào cản cho các DN Việt Nam khi tiếp cận thị trường Ca-na-đa.

Mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Bích Nam, Chủ tịch Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch TP Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi rất mong các đơn vị liên quan, các đối tác Ca-na-đa hỗ trợ để các DN trong Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch thành phố xuất khẩu các nông sản vào thị trường Ca-na-đa. Hội có những đơn vị đã xuất khẩu trái cây, rau củ quả… vào thị trường Bắc Mỹ và một số thị trường khác hằng năm ít nhất cũng được 50 triệu USD, xuất khẩu gạo vào thị trường các nước trung bình 40 triệu USD một năm. Chúng tôi cũng cần thị trường mới như Ca-na-đa để tham gia, điều phối mở rộng hoạt động kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Cùng với đó, các DN trong Hội cũng muốn nhập những sản phẩm như trái cây, trái cây khô và một số mặt hàng nông sản khác của Ca-na-đa về phân phối ở  thị trường nội địa. Do đó, tôi mong các cơ quan liên quan của hai nước giúp DN trong nước kết nối được với các hiệp hội, DN của Ca-na-đa để tìm cơ hội hợp tác làm ăn”.   

Các chuyên gia nhận định, kim ngạch hai chiều Việt Nam và Ca-na-đa có thể sẽ tăng cao trong tương lai, nhờ các cam kết ưu đãi cắt giảm thuế quan từ CPTPP. Để tận dụng lợi thế này, các DN cần khai thác tốt các mối quan hệ từ đối tác, các nhà xuất, nhập khẩu, các ngân hàng mở rộng sản xuất, kinh doanh, đủ sức sản xuất, đáp ứng các đơn hàng lớn cho đối tác. Cùng với đó, DN trong nước phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và mạnh dạn thay đổi cơ cấu từ nguồn nhân lực đến chuỗi sản xuất để tăng sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, các DN cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá để nâng cao khả năng cơ hội tìm kiếm các đối tác, mở rộng thị trường vào các nước Bắc Mỹ, trước hết là xâm nhập thị trường Ca-na-đa. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết thêm: “Với lợi thế là trung tâm về kinh tế, thương mại, tài chính…, thành phố luôn quan tâm hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN không chỉ riêng thành phố mà cho DN cả nước. Thành phố đã ký kết hợp tác với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới để đẩy mạnh, tăng cường hỗ trợ DN trong nước phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, trong thời gian tới, ITPC sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), các nước khu vực ASEAN, các thị trường truyền thống hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có khu vực Bắc Mỹ”.