Hình thức mới trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh đang có thêm một số hình thức mới trong việc xã hội hóa (XHH) đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu, còn các hình thức XHH khác đã không còn hấp dẫn vì nhiều lý do khách quan.

Cầu Him Lam bắc qua sông Ông Lớn (nối quận 7 và huyện Bình Chánh) là một trong những công trình được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa.
Cầu Him Lam bắc qua sông Ông Lớn (nối quận 7 và huyện Bình Chánh) là một trong những công trình được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa.

Lấy công làm lời

Quản lý, đầu tư và khai thác mạng cấp nước là một trong những hạng mục... "kén" nhà đầu tư nhất. Nhiều năm qua, mặc dù đã hết sức nỗ lực nhưng thành phố cơ bản mới chỉ thu hút được các doanh nghiệp (DN) bỏ vốn ra đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch, tức là xây dựng nguồn nước. Còn với hạng mục mạng lưới cung cấp nước, do cần vốn lớn, công việc nặng nề lại "đụng chạm" nhiều vấn đề nan giải cho nên không có nhiều DN mặn mà. Chưa kể, việc sản xuất nước sạch cùng mạng lưới cung cấp nước hiện nay ở thành phố lại do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) - một DN có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm quản lý việc cạnh tranh để đưa ra được phương án quản lý tốt hơn nhằm giành được quyền khai thác mạng lưới cung cấp nước với Sawaco là điều rất ít DN đủ năng lực và "can đảm" làm.

Thế nhưng mới đây, Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đã "dám" làm việc này. Theo đề án thí điểm "đầu tư-quản lý-kinh doanh-chuyển giao" dịch vụ phân phối nước sạch theo phương thức xã hội của CII vừa được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương, CII sẽ tiếp nhận toàn bộ mạng cung cấp nước ở địa bàn bốn quận: 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú của hai đơn vị trực thuộc Sawaco là Công ty cấp nước Trung Hòa và Công ty cấp nước Tân An. CII vẫn sẽ tiếp tục mua sỉ nước của Sawaco với giá mà hai đơn vị này đang mua và bán lại cho người dân cũng theo mức giá đã được UBND thành phố phê duyệt cho hai đơn vị. Ðể không làm xáo trộn cuộc sống của các cán bộ và công nhân viên đang làm việc tại Công ty cấp nước Trung Hòa và Tân An, CII cam kết giữ lại toàn bộ số lao động này. CII sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ việc làm giảm tỷ lệ thất thoát nước, tăng cường hiệu quả quản lý và mở rộng mạng lưới cung cấp nước đến với đông đảo người dân hơn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình hiện nay ở bốn quận nêu trên nằm ở khoảng 30%. CII quyết tâm giảm tỷ lệ này xuống còn 20% vào năm 2020.

Mặc dù đã được cổ phần hóa ở nhiều bộ phận, nhưng trong không ít nhiệm vụ, ngân sách thành phố vẫn phải hỗ trợ cho Sawaco thực hiện. Chính vì vậy, sự tham gia của CII vào hoạt động đầu tư quản lý kinh doanh mạng cung cấp nước tại khu vực bốn quận nói trên sẽ giúp cho thành phố tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ khi không phải hỗ trợ nữa. Chưa nói đến việc là cả hai đơn vị cấp nước Trung Hòa và Tân An vẫn chưa tiến hành cổ phần hóa như nhiều công ty cấp nước khác thuộc Sawaco, hiện vẫn hưởng nguồn kinh phí từ Sawaco. Theo Phó Tổng Giám đốc CII Nguyễn Mai Bảo Trâm, dù là "lính mới" trong lĩnh vực quản lý mạng cấp nước, nhưng CII đủ tự tin để thực hiện tốt cam kết với thành phố bởi CII có được những bí quyết công nghệ mới trong quản lý và khai thác mạng cấp nước.

Liên kết để tạo sức mạnh

Ðầu tháng 6 này, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) đã ký kết hợp đồng thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, SHB sẽ cung cấp các dịch vụ ngân hàng với các chính sách ưu đãi cho PMC trong các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Theo Tổng Giám đốc PMC Nguyễn Thành Thái, trước mắt, SHB sẽ tài trợ khoảng bốn nghìn tỷ đồng để PMC triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tại thành phố như dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc (không phải cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội) nối đường vành đai phía đông với xa lộ Hà Nội, nâng cấp đường Lương Ðịnh Của... Về lâu dài, hai đơn vị sẽ cùng nhau hợp tác thực hiện tới hơn 10 công trình giao thông lớn khác của thành phố như xây dựng các đường trên cao số 1, 2, 3, 4, 5, đường bắc-nam giai đoạn 2...

Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để tham gia các chương trình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, lâu nay, sự liên kết giữa ngân hàng và các DN thường chỉ là hình thức, còn thực chất là DN đi vay tiền của ngân hàng... Tất nhiên, về bản chất, sự hợp tác toàn diện giữa SHB và PMC cũng là chuyện PMC vay tiền của SHB để đầu tư, nhưng có điểm khác là đã có sự chủ động của cả hai phía, cả hai tìm đến nhau thay vì chỉ có DN tìm đến ngân hàng như trước kia. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, đây là một trong những hình thức đầu tư mới (liên kết giữa ngân hàng và DN đầu tư hạ tầng) mà thành phố đang tìm kiếm nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại thành phố. Giống như hoạt động đầu tư vào mạng cấp nước của CII, hoạt động đầu tư này cũng cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả, nhưng những nỗ lực nêu trên của các DN đáng được ghi nhận và trân trọng.