Hậu phương vững chắc

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, TP Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần yêu nước, huy động sức người, sức của cùng tiền tuyến lập công. Cùng với các địa phương, thành phố đã phát huy sức mạnh, hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương "vì tuyến đầu Tổ quốc", góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta.

Cán bộ và người dân TP Hồ Chí Minh xem triển lãm ảnh về chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam tại Bảo tàng Quân khu 7.
Cán bộ và người dân TP Hồ Chí Minh xem triển lãm ảnh về chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam tại Bảo tàng Quân khu 7.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) cho biết, tình cảm quân dân, mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với dân, sự đùm bọc, chở che của người dân các tỉnh biên giới với cán bộ, chiến sĩ Sài Gòn - Gia Ðịnh trong thời kỳ kháng chiến đã trở thành mạch nguồn của cuộc sống, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Chính vì thế, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, dù hậu quả chiến tranh và chế độ cũ để lại còn rất nặng nề, nhưng khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các phong trào hướng ra tiền tuyến đã diễn ra sôi nổi khắp nơi. Thành phố không chỉ động viên, cổ vũ mà còn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khi chiến tranh biên giới diễn ra, TP Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "mỗi mũi chông là một viên đạn" với sự hưởng ứng sôi nổi của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, thành phố chuyển lên biên giới ba triệu cây chông tre và chông sắt do hàng chục nghìn người đóng góp; 481.265 bàn chông sắt do các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; 70 tấn sắt thép, 82 tấn xi-măng, 96.700 cuốc xẻng,…

TP Hồ Chí Minh cũng đã chi viện cho tiền tuyến 39 ô-tô các loại, 100 xe đạp thồ cùng nhiều phương tiện, thiết bị, máy móc, đồ dùng phục vụ chiến đấu khác. Thành phố đã tổ chức 40 đoàn đại biểu của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các đoàn văn công lên biên giới thăm hỏi, biểu diễn phục vụ và tặng quà bộ đội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Vì tuyến đầu Tổ quốc" được sự hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thành phố. Từng tổ chức hội, đoàn thể đều có những phong trào riêng để góp sức cho tiền tuyến.

Hội Nông dân các cấp kết hợp xã đội và các đoàn thể đã tuyên truyền vận động nông dân tham gia phong trào dân quân tự vệ bảo vệ xóm làng. Hàng nghìn nông dân tham gia xây dựng tuyến phòng thủ của thành phố ở nhiều huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Ðức, trực tiếp chi viện xây dựng tuyến phòng thủ Tây Ninh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chi viện cho tiền tuyến và chăm lo hậu phương quân đội. Hưởng ứng phong trào "Vì tuyến đầu Tổ quốc", phụ nữ các quận, huyện của thành phố đã dấy lên phong trào sôi nổi với hình thức phong phú như "Hũ gạo nuôi quân", "Vườn cây tình nghĩa", "Ba giỏ phế liệu", "Trồng một cây, nuôi một con"…

Riêng năm 1979, phụ nữ thành phố đã gửi hơn 300 con bò, heo, gà, vịt cho cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc.

Với phong trào "Vì điểm tựa tiền tiêu Tổ quốc", tuổi trẻ thành phố đã góp sức bằng hàng triệu mũi chông tre, tham gia xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới, xây dựng các trận địa tên lửa bảo vệ thành phố, thực hiện nhiều công trình kỹ thuật quốc phòng, nâng cao hiệu suất chiến đấu. Hàng nghìn thanh niên ở TP Hồ Chí Minh đã viết đơn tình nguyện bằng máu để xin được ra chiến trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 30 vạn thanh niên thành phố tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðầu năm 1978, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập "Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Ninh - Tổng đội 3" nhằm phối hợp tốt các đơn vị biên giới. Các đội TNXP đã thực hiện một triệu ngày công để vận chuyển 20 nghìn tấn đạn, 30 nghìn tấn nhu yếu phẩm và 100 nghìn tấn gạo trong suốt 300 ngày đêm phục vụ chiến đấu trên biên giới Tây Nam.

Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh nhớ lại, từ tháng 9-1978 đến tháng 9-1979, lực lượng TNXP thành phố đã huy động 10 nghìn lượt người tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Lực lượng này vừa làm nhiệm vụ hậu cần, công binh, tải thương vừa trực tiếp chiến đấu chống địch bao vây, phục kích. Họ luôn dành tình thương và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất.

Không chỉ đi đầu phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy chung cho cả nước, TP Hồ Chí Minh còn cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc. GS, TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khẳng định, kế thừa truyền thống anh hùng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh "đi trước về sau", nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí chống xâm lược trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc. Cùng đồng bào cả nước xông pha nơi tuyến lửa, thành phố còn đóng vai trò là một hậu phương lớn của hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cũng như thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Cam-pu-chia (1979 - 1989).