Hành động thiết thực vì môi trường sống

Giải quyết rác thải và ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề lớn đối với TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh những giải pháp tổng thể, tuổi trẻ thành phố cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường thông qua các giải pháp, công trình cụ thể, thiết thực.
Đoàn viên, thanh niên thành phố đạp xe hưởng ứng Ngày Môi trường trong chiến dịch Giờ trái đất.
Đoàn viên, thanh niên thành phố đạp xe hưởng ứng Ngày Môi trường trong chiến dịch Giờ trái đất.

Chung tay vì môi trường xanh

Những năm qua, các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh niên thành phố không chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, phong trào mà còn có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo thành một thói quen tích cực trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh trên địa bàn. Đơn cử như chương trình “Chủ nhật xanh”, một trong những hoạt động nhận được sự quan tâm, đồng hành của hàng triệu bạn trẻ thành phố suốt nhiều năm qua. Xuất phát từ một cuộc phát động bảo vệ môi trường, qua nhiều năm triển khai, “Chủ nhật xanh” đã trở thành một hoạt động thường xuyên được tổ chức luân phiên tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ thành phố trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, hưởng ứng việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng, xanh sạch đẹp vì môi trường. Theo Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, sau 131 lần tổ chức, hàng triệu tấn rác thải các loại đã được dọn dẹp khỏi các dòng sông, kênh, rạch. Quan trọng hơn, các hoạt động này đã nhận được sự đồng hành, chung sức của người dân, đồng thời nhân lên trong các bạn trẻ, các tầng lớp nhân dân ý thức tốt hơn về bảo vệ môi trường.

Vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là chống rác thải nhựa cũng được tuyên truyền và thực hiện đến đối tượng là các em học sinh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ sẽ góp phần bảo đảm một môi trường xanh sạch đẹp trong tương lai. Năm học 2019 - 2020 là năm học đầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố triển khai chương trình nói không với túi ni-lông và rác thải nhựa đến tất cả các trường học. Đặc biệt, các trường học cần kiên quyết nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Để thực hiện kế hoạch này, Sở yêu cầu các trường học tổ chức lồng ghép đưa nội dung tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đến các em học sinh. Hiệu quả bước đầu đã được thể hiện rõ khi hiện nay, các em học sinh đã có ý thức sử dụng cốc, chai thủy tinh thay cho chai, cốc nhựa, hạn chế dùng túi ni-lông để đựng đồ đạc khi tới trường… Thông qua sự đóng góp tích cực của tuổi trẻ thành phố và người dân, một tín hiệu vui đang lan tỏa là người dân đang dần ý thức hơn với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông, rác thải. Tại nhiều chuỗi cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, việc dùng các sản phẩm nhựa, sản phẩm khó phân hủy đã được chủ cơ sở rất chú trọng.

Hiến kế bảo vệ môi trường

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Toàn Thắng, mỗi ngày, thành phố phát sinh thêm 13 nghìn tấn rác thải. Trong đó, có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 đến 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 đến 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Trong bối cảnh công tác xử lý rác còn nhiều bất cập như hiện nay thì việc chống ô nhiễm môi trường vẫn là một bài toán khó đặt ra đối với các cơ quan chức năng.

Với tinh thần cùng chính quyền, các tầng lớp nhân dân thành phố chung tay bảo vệ môi trường, không chỉ thể hiện qua các hành động cụ thể mà tuổi trẻ thành phố còn hiến kế để triển khai tốt nhất các giải pháp vì môi trường. Anh Nguyễn Ngọc Thuận, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Thủ Đức cho rằng: Hiện nay, việc thu gom rác vẫn còn nhiều bất cập, người dân phân loại rác nhưng khi thu gom thì lại gộp lẫn lộn. Anh Thuận đề xuất thời gian tới nên thu gom theo ngày để việc phân loại rác thải có hiệu quả hơn. Tại quận Thủ Đức, để nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề chống rác thải nhựa, Hội thường tổ chức những buổi đổi rác thải nhựa lấy quà.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 5 cho rằng: Các loại rác thải điện tử, nhất là pin đối với môi trường là rất nguy hại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố chưa có nhiều điểm thu gom loại rác thải này. Vì thế, cần sớm tuyên truyền, vận động để việc gom loại rác thải này trở thành một thói quen trong người dân vì khối lượng thải ra môi trường rất lớn. Với vấn đề này, chị Hạnh cũng đề xuất đoàn viên, thanh niên tại các địa phương, đơn vị là lực lượng tiên phong, tham gia thu gom rác thải điện tử đã qua sử dụng của các hộ gia đình trên địa bàn mình, sau đó mang tới những nơi chuyên xử lý loại rác thải đặc biệt này.