Hàng bình ổn đủ sức điều tiết giá cả thị trường

Trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình hàng bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đã sản xuất, dự trữ số lượng hàng hóa vượt dự kiến, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Các mặt hàng bình ổn thị trường đủ lực để điều tiết giá cả hàng hóa cùng loại trên thị trường ở thời điểm mua bán sôi động nhất trong năm…

Trứng gia cầm, mặt hàng chủ lực tham gia bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trứng gia cầm, mặt hàng chủ lực tham gia bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của TP Hồ Chí Minh thực hiện gồm 10 nhóm hàng chủ lực như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy sản, hải sản, rau củ quả… Lượng hàng bình ổn thị trường trong các tháng thường chiếm từ 25 đến 30%, các tháng Tết chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu thị trường. Ước tính, doanh thu của chương trình này đạt khoảng 34.300 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2018.

Chương trình bình ổn thị trường của thành phố năm nay có gần 11 nghìn điểm bán hàng, trong đó có 2.651 cửa hàng tiện lợi, tăng hơn 200 cửa hàng so cuối năm 2018; mở rộng được 4.209 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường (tăng 82 điểm bán). Ngoài các điểm bán cố định, các DN còn tổ chức 1.500 chuyến bán hàng lưu động và bảo đảm giá bán hàng bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện theo cơ chế điều chỉnh linh hoạt.

Hiện nay, chương trình bình ổn thị trường của thành phố có 87 DN tham gia; trong đó, có 18 DN của thành phố đã đầu tư nhà máy sản xuất, trang trại nuôi trồng hoặc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu tại các tỉnh, thành phố. Ðể chủ động nguồn hàng, sản phẩm đạt chất lượng và kinh doanh ổn định, các DN bình ổn thị trường thành phố đã đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành phố ở Tây Nam Bộ với tổng vốn đầu tư 12.066 tỷ đồng. Trong đó, mỗi năm các DN liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 2.000 tỷ đồng.

Thông qua các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, BigC,… sản phẩm bình ổn thị trường của thành phố cũng được đưa đến tận tay người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố khác, góp phần giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương này. Riêng Saigon Co.op thực hiện hơn 500 chuyến bán hàng lưu động tại các địa phương để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa.

Tham gia chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Ðạt Nguyễn Ðình Thái cho biết, mặc dù thịt gà các loại lên giá nhưng giá trứng gà và các sản phẩm làm từ nguyên liệu trứng gà của công ty vẫn giữ ổn định như trước. Riêng hàng hóa đăng ký kinh doanh trong chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh, công ty vẫn thực hiện như đã ký cam kết. Vĩnh Thành Ðạt đã có kế hoạch cung ứng cho thị trường Tết khoảng 4,5 triệu quả trứng gia cầm mỗi tháng và sẽ tăng sản lượng 20% nếu thị trường có nhu cầu. “Không những không tăng giá các sản phẩm trứng gia cầm, công ty còn làm phong phú thêm mặt hàng trứng gia cầm cho thị trường Tết với hai sản phẩm mới là trứng gà và trứng vịt Omega 3 + DHA, đồng thời đưa thêm một dây chuyền hiện đại để sản xuất thực phẩm từ nguyên liệu trứng gia cầm vào hoạt động”, ông Nguyễn Ðình Thái cho biết thêm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự trữ 3.600 tấn hàng hóa trong thời gian 45 ngày. Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt heo, gà; tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày; 25 tấn thịt heo/ngày. Công ty C.P Việt Nam cam kết cung ứng vượt kế hoạch thành phố giao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn xuất chuồng heo dưới tuổi (từ 80 đến 90 ký/con), tập trung phát triển nguồn heo giống, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn và sẽ nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn…

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố hiện chiếm 23,8% của cả nước, sức tiêu thụ tăng trưởng bình quân từ 12 đến 15%/năm, đồng thời là đầu mối cung ứng lượng hàng hóa rất lớn cho các địa phương khác trên cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 của thành phố đạt gần 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,2%), chiếm 64,82% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Đạt được kết quả nêu trên, ngoài nỗ lực của các sở, ngành và cộng đồng DN, chương trình bình ổn thị trường đã đóng vai trò không nhỏ trong việc cung cầu và điều tiết giá cả hàng hóa trên thị trường trong thời gian qua, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp đến. Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh hiện nay đã trở thành một kênh bán hàng hiệu quả của các DN, đồng thời là kênh mua sắm các mặt hàng thiết yếu tiện lợi cho người dân. Thực tế, chương trình này đã giữ vai trò chủ đạo trong việc bình ổn, điều tiết giá cả thị trường, là điểm đối chứng về chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng…