Gương sáng giảng viên trẻ

Là giảng viên trẻ, trong những bài giảng lý thuyết của mình, thầy Phát luôn cố gắng để truyền đạt cho sinh viên những kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm mà mình đúc kết được trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu. Trước mỗi môn dạy, thầy tìm cách giúp sinh viên thấy được tính khoa học cũng như ứng dụng kiến thức thu nhận được sau môn học.

Gương sáng giảng viên trẻ

Ðối với các sinh viên được thầy hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp, thầy sẽ tìm hiểu rồi định hướng các kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu sinh viên đề ra. Ðó là, sinh viên được hướng dẫn phải chủ động trong việc tự thiết kế khóa luận, tự tiến hành thí nghiệm sau khi được chỉ dẫn các kỹ thuật cơ bản có liên quan và chủ động trong việc làm khóa luận. "Khi chính tay các em thiết kế mô phỏng thí nghiệm, thực hiện sẽ tự định hướng rõ hơn được con đường nghiên cứu của mình", thầy Phát cho biết. "Thông thường một buổi lên lớp, thầy và học trò sẽ cùng nhau tìm hiểu, không bao giờ mình dạy sinh viên một chiều theo kiểu "thầy nói, trò nghe" mà mình luôn khuyến khích thầy nói, sinh viên phản biện lại. Cho nên, trong giờ lên lớp mình chỉ đóng vai trò người định hướng giúp sinh viên tiếp cận vấn đề. Nói chung, khi sinh viên học với mình, các bạn phải động não khá nhiều nhưng bù lại, các bạn sẽ hiểu vấn đề rất sâu và tường tận", thầy Phát nói thêm.

Không chỉ có cách dạy sinh động mà liên tục từ năm 2010 đến nay, thầy Phát đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Một trong những sáng kiến ấy là "áp dụng infographic (đồ hoạ trực quan) vào giảng dạy và học tập môn địa lý một cách hiệu quả". Chia sẻ về sáng kiến này, thầy Phát cho biết: "Người học sẽ theo các dòng dữ liệu thông tin từ trên xuống dưới được thiết kế lô-gic trong một hình ảnh có kích thước lớn. Infographic có điểm khác biệt so với các công cụ trình chiếu trực quan khác là cho phép chúng ta thể hiện các thông tin hình ảnh trên cùng một bức ảnh, do đó giáo viên hoàn toàn có thể hệ thống lại kiến thức cho sinh viên".

Ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Phát tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, trong năm 2017, thầy đã có đề tài nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phát triển nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau. "Mình đã tổng kết lại bức tranh về mức độ hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới ở Cà Mau và thấy có năm vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển nông thôn mới, đó là: giao thông, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường. Từ đó, mình đề xuất cần tập trung cho các tiêu chí này, tránh đầu tư dàn trải, trong đó, giao thông nông thôn là rào cản cần phải tháo gỡ", thầy Phát nói. Trao đổi về những sáng kiến, thầy Phát cho biết: Các đề tài nghiên cứu của mình có hai hướng, một là nghiên cứu chuyên ngành, hai là các nghiên cứu nhằm ứng dụng vào công tác giảng dạy, mỗi sản phẩm đều hướng đến việc hỗ trợ một phần nào đó trong quá trình dạy học. Và ấn tượng có lẽ là sản phẩm về cartograms (biểu đồ diện tích), vì đây là công trình đầu tiên thầy Phát tiếp cận và tự tạo ra sản phẩm và có các công bố khoa học liên quan.

Hiện nay, ngoài công tác chính là giảng dạy và nghiên cứu, thầy Phát còn đảm trách nhiệm vụ Phó Bí thư Ðoàn trường. Phát tâm sự: "Chính công tác Ðoàn mang lại cho mình khả năng tổ chức hoạt động, được tiếp cận với nhiều đối tượng sinh viên; kết hợp với kinh nghiệm đứng lớp giúp mình có nhiều thuận lợi trong công tác và giảng dạy khi có sự gần gũi, tiếp cận và hiểu người học nhiều hơn".

Với những cống hiến trong giảng dạy và hoạt động Ðoàn, thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu thành phố năm 2018, và đây cũng là lần thứ tám liên tiếp thầy được nhận danh hiệu này. "Năm đầu tiên mình đạt danh hiệu là năm 2010. Ðó là lần đầu được tiếp cận với những tiêu chí của giải thưởng, được quen biết với các anh chị cùng đạt giải. Việc được trao thưởng và được tiếp cận với các anh chị được tuyên dương giúp bản thân mình học hỏi được nhiều hơn, định hướng cho mình những mục tiêu cần phấn đấu hoàn thiện bản thân hơn nữa qua từng năm học", thầy Phát cho biết.

Tình yêu nghề, tâm huyết trách nhiệm của thầy Phát đã có sức lan tỏa, không chỉ đối với sinh viên mà còn với cả những đồng nghiệp của mình. Hy vọng, sự nghiệp trồng người của thầy sẽ có những bước tiến xa hơn nữa để xã hội có thêm nhiều người thầy giáo, cô giáo tận tâm, tận tụy với nghề như thầy, để sinh viên sư phạm luôn tự hào rằng, "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".